Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…
Yến Lan
Yến Lan sinh năm 1916, quê Bình Định,tên thật là Lâm Thanh Lang, bút danh Yến Lan được ông lấy từ tên đầu của 2 cô học trò mà ông rất yêu quý. Ông vốn xuất thân trong gia đình nhà Nho, sau tham gia trong phong trào thơ Mới. Ông được đánh giá cao trong thể thơ Tứ tuyệt của văn học Việt Nam hiện đại.
Bến My Lăng vốn chỉ là một cái tên tưởng tượng theo chia sẻ của tác giả. nhưng “những ai đã có một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi… ” thì hình ảnh bến đò này, qua những câu chữ của nhà thơ luôn hiện lên chân thực và sống động nhất.
Bài thơ được đánh giá là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam hay nhất thế kỉ 20.