google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Bao giờ- cảm xúc chân thành, tha thiết của người phụ nữ - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Bao giờ- cảm xúc chân thành, tha thiết của người phụ nữ

Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em
(Chút hương đời dịu ngọt
Hoà trong mảnh thơ riêng)

Đâu chỉ có mùa xuân
Mới vàng hoa rực rỡ
Đâu chỉ riêng mặt trời
Xua tan đi giông tố.

Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em
Lòng anh còn bóng đêm
Em sẽ làm tia nắng.

Vườn nhà em đầy hoa
Hương thơm và trái ngọt
Mái nhà em dịu mát
Đằm thắm và bao dung.

Mặt đất còn gai chông
Bầu trời còn mưa gió
Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em.

Song Hảo
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Tiến phổ nhạc thành bài hát Tâm hồn.

Đọc “Tâm hồn” của Song Hảo, tôi thấy ấn tượng đậm nét chị để lại cho người đọc không phải là thủ pháp nghệ thuật cầu kỳ, mà chính là cảm xúc chân thành, tha thiết…

Là phụ nữ, có lẽ không ai không thích bài thơ “Tâm hồn” của nữ thi sĩ Song Hảo. Người ta có thể thích bài thơ này vì nhiều lẽ: lời thơ ngọt ngào, giản dị, mà thấm đẫm tình người; lối nói tự nhiên, chân thành, nhưng đầy cá tính; ý thơ sâu sắc mà dễ hiểu…

Với tôi, sức cuốn hút của bài thơ chính là sức hấp dẫn của một tâm hồn trẻ trung, tươi mới và ngập tràn sắc yêu của người phụ nữ. Thế mà cả bài thơ không một lần từ “yêu” xuất hiện. Những từ nhằm diễn tả các cung bậc khác nhau của tình yêu (nhớ, thương, hờn, giận…) cũng vắng bóng. Nhưng tình ý của bài thơ lại ngọt ngào, da diết, gọi mời, để đọc rồi muốn đọc lại, đọc đến thuộc làu mới thôi. Thế nên, bài thơ ăm ắp nỗi niềm yêu. Tất cả những điều mà người phụ nữ nhắn gửi tới người mình yêu đâu có to tát cao siêu gì? Trái lại, nó bình thường và rất đời thường. Nhưng ngẫm ra lại thật vĩ đại bởi nó nói được cái điều không dễ nói. Điều mà có thể tôi hay ai đó đã làm, đã nghĩ, đã hiểu nhưng không sao diễn đạt thành lời. Bằng sự phong phú, trẻ trung, lãng mạn của tâm hồn thi sĩ, “em” đã chủ động khẳng định mình một cách mạnh mẽ, tự tin: “Bao giờ anh đau khổ/hãy tìm đến với em”.

Hai câu thơ ấy cứ lặp đi lặp lại vừa tạo điểm nhấn, vừa kết nối ý thơ. Vậy người phụ nữ trong bài thơ – người xưng “em” là ai mà dám bày tỏ lòng mình một cách thẳng thắn và tự tin đến thế? Tôi nghĩ câu trả lời có ngay ở khổ thơ đầu và những khổ thơ tiếp theo nhằm khẳng định một cái tôi rất riêng của chủ thể trữ tình. Chỉ có điều ở khổ thơ đầu chủ thể không xuất hiện trực tiếp mà ẩn mình qua hai câu thơ: “chút hương đời dịu ngọt/hòa trong mảnh thơ riêng”. Lời giải thích được đặt trong dấu ngoặc đơn cùng với cách dùng từ “chút”, “mảnh”, phải chăng đó là một sự khiêm tốn khi chị nói về mình? Chỉ là “chút”, là “mảnh” nhưng tâm hồn em chính là hương đời dịu ngọt được cất thành thơ, hòa vào trong thơ – một thứ tình cảm riêng – rất riêng em dành cho anh. Đó chính là những giá trị tinh thần cao quý để tâm hồn anh neo đậu.

Không một chút vòng vo, cứ tự tin giãi bày như thế, người phụ nữ trong bài thơ đã so sánh: “Đâu chỉ có mùa xuân/mới vàng hoa rực rỡ/đâu chỉ riêng mặt trời/ xua tan đi giông tố”. Lối so sánh ngầm, khuyết đi vế được so sánh, nhưng người đọc vẫn hiểu em được so sánh với mùa xuân, với mặt trời bằng cách lặp hai lần từ phủ định “đâu chỉ”. Em không là mùa xuân “vàng hoa rực rỡ”, không là mặt trời “xua tan đi giông tố”. Nhưng hơn thế, “em sẽ làm tia nắng” rọi chiếu, xua đi những “bóng đêm” trong lòng anh. Bởi vì: “Vườn nhà em đầy hoa/hương thơm và trái ngọt/ mái nhà em dịu mát/đằm thắm và bao dung”. Em không chỉ là “chút hương đời dịu ngọt”, không chỉ làm “tia nắng” làm ấm lại tâm hồn anh, mà tất cả những gì thân thuộc xung quanh em, gắn bó với em sẽ là nơi yên lành, giúp anh quên đi những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống còn đầy bất trắc. Như vậy em thật giàu có. Đó là thứ của cải tinh thần quý giá em dành cho anh. Em chính là hạnh phúc, là mái ấm để tâm hồn anh trú ngụ mỗi khi đau khổ.

Em chính là phép màu nhiệm của tình yêu, sẵn sàng bên anh, chở che cho anh mỗi khi “lòng anh còn bóng đêm”. Bởi một điều thật hiển nhiên: “Mặt đất còn gai chông/bầu trời còn mưa gió”. Điều đó đồng nghĩa với những khổ đau tất yếu mỗi người sẽ gặp phải trên bước đường đời. Mặc dù không bao giờ em muốn anh phải đau khổ, nhưng nếu điều đó xảy ra, tâm hồn em luôn rộng mở, vòng tay em luôn chào đón. Vậy nên: “Bao giờ anh đau khổ/hãy tìm đến với em…”

Khi đau khổ người ta luôn mong muốn có một nơi chốn bình yên để giải tỏa, cân bằng. Đó là lúc người ta cần đến sự chia sẻ cảm thông nhiều nhất. Một cử chỉ dịu dàng, một lời an ủi chân thành sẽ là thần dược chữa lành nỗi đau. Người phụ nữ trong bài thơ hiểu rõ tâm lý ấy nên chị nguyện làm tất cả để an ủi, sẻ chia, khỏa lấp, xua đi những “gai chông”, “mưa gió” trong cuộc đời anh. Nếu anh còn đau khổ thì em sẽ là nơi chốn bình yên nhất để anh tìm về. Bởi em mới là bến đỗ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp anh vượt qua sóng gió cuộc đời. Phải là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, bao dung và giàu đức hy sinh mới tự nguyện, tự tin bày tỏ nỗi lòng như vậy.

Vẫn một giọng điệu thẳng thắn, ngọt ngào, tự tin như thế, em đã thuyết phục được anh, thuyết phục được người đọc bằng tình cảm vị tha và tấm lòng nhân hậu.

Bài thơ “Tâm hồn” được kết cấu theo lối đầu cuối tương ứng. Hai câu thơ: “Bao giờ anh đau khổ/hãy tìm đến với em” được lấy làm câu thơ mở đầu và kết thúc. Ngoài ra, nó còn được lặp lại ở khổ thơ thứ ba. Lối kết cấu ấy là một sự nhất quán trong bố cục, trong lời lẽ và ý tứ, có tác dụng khép lại tứ thơ nhưng lại gợi ra bao điều suy ngẫm về tình yêu, hạnh phúc ở đời.

Đọc “Tâm hồn” của Song Hảo, tôi thấy ấn tượng đậm nét chị để lại cho người đọc không phải là thủ pháp nghệ thuật cầu kỳ, mà chính là cảm xúc chân thành, tha thiết, là tấm lòng độ lượng, bao dung, là tâm hồn trong trẻo của một người phụ nữ đang yêu. Tôi bỗng nhớ đến một câu nói của Viên Mai: “Làm thơ cốt ở tấm lòng, hãy để tấm lòng điều khiển bàn tay”. Ở bài thơ này Song Hảo đã làm được điều đó.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Bình luận Facebook