Bài thơ Bầm ơi được “khai sinh” như thế nào?

Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, các xã Gia Điền, Ấm Hạ, Chu Hưng, Đại Phạm, … từng là trụ sở của các cơ quan Trung ương, Liên khu 10 và tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt ở xóm Gốc Gạo xã Gia Điền có trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Vào những năm 1947-1948, đoàn văn nghệ sỹ trong hành trình “nhận đường” đã chọn Gia Điền (một miền quê nghèo của vùng trung du Hạ Hòa – Phú Thọ, nơi mà người dân quê gọi mẹ là bầm, là bủ) làm nơi dừng chân và hoạt động văn học nghệ thuật.

Tại xã Gia Điền các nhà văn nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng được ở nhờ nhà bà Bủ Gái.

Khi ấy, các nhà văn, nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân đã ở lại thôn Gốc Gạo xã Gia Điền. Ngôi nhà mà đoàn chọn để ở là nhà gỗ 5 gian, lợp lá cọ của bủ Nguyễn Thị Gái. Cũng từ chính ngôi mà mái cọ bình yên này, vào khoảng thời gian ấy, bài thơ Bầm ơi được “khai sinh”.

Khi các văn nghệ sỹ đến ở, bủ Gái đã dọn xuống bếp để nhường giường và không gian nhà trên cho khách. Ban ngày, bủ Gái vẫn vác cuốc lên đồi trồng sắn, trồng đỗ hay xuống ruộng cấy lúa, tăng gia. Tối về, bủ dùng lá chuối khô bện lại làm đệm nằm cho đỡ lạnh. Nhưng cứ đêm đêm, anh em văn nghệ sĩ lại nghe tiếng khóc nhỏ của bủ Gái từ phía bếp. Đêm nào cũng như thế, họ lần hỏi mãi bủ Gái mới tâm sự rằng do bủ nhớ đứa con trai đi vệ quốc quân lâu ngày không thấy thư từ tin tức gì về con, bủ thương và lo cho nó quá.

Để giúp bủ Gái nguôi ngoai nỗi nhớ thương người con trai đánh giặc xa nhà, anh em văn nghệ sĩ đã đề nghị nhà thơ Tố Hữu sáng tác một bài thơ mạo danh anh Khải (con bầm) gửi về. Vài hôm sau, khi bài thơ làm xong, anh em văn nghệ sĩ nói dối Bầm là anh Khải gửi thơ về, và anh em đã nhận thư hộ, rồi cử một người đọc chậm từng câu để bủ Gái nghe cho rõ. Nghe xong, nét mặt bủ Gái rạng rỡ hẳn lên và nói với mọi người: Thằng Khải nó thương tôi quá nhỉ, lại còn bảo tôi “Nhớ con bầm nhé đừng buồn, giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm”. Khi chưa đi “Vệ quốc” nó ít lời lắm.

Tin vậy, bủ Gái hết lo lắng cũng như khóc thầm vào mỗi đêm. Về sau, bài thơ “Bầm ơi” được truyền đi khắp các chiến trường và các chiến sỹ đã chép bài thơ này vào lá thư gửi cho người mẹ của mình ở quê nhà như một lời báo tin rằng: Ở chiến trường họ vẫn bình yên.

Bài thơ làm sống dậy hình ảnh người mẹ miền trung du bình dị, giàu lòng yêu nước, rất thương lo cho đứa con đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc, cũng là tiếng lòng của người con chiến sĩ nơi mặt trận luôn nhớ thương và biết ơn người mẹ ở hậu phương.

Năm 1981, khi nhà thơ Tố Hữu đang ở Hà Nội thì anh Khải (lúc này là đại tá quân đội) con trai bà bủ Gái đến thăm. Anh tỏ lòng cảm ơn nhà thơ đã sáng tác ra bài “Bầm ơi” để động viên, an ủi cho mẹ anh được yên tâm khi xa anh. Dịp ấy, nhà thơ đã lấy 3m lụa làm quà gửi anh đem về may áo cho bủ Gái, 3m lụa này là của Bác Hồ tặng con gái đầu lòng của nhà thơ khi cháu mới ra đời, 4 năm sau anh Khải con trai bà bủ Gái lại đến chơi và báo tin cho nhà thơ biết mẹ anh mới qua đời. Trước khi mất cụ dặn người nhà phải mặc cho mình tấm áo lụa quý giá để cụ yên lòng sang thế giới bên kia.

Bầm Gái nay đã vào cõi vĩnh hằng, căn nhà xưa không còn nữa. Nhưng vẫn có đó tấm bia lưu niệm những tháng ngày đáng nhớ của lớp văn nghệ kháng chiến, vẫn còn đó những câu chuyện về bài thơ “Bầm ơi” được người già kể cho lớp trẻ nghe. Và vẫn còn đó âm hưởng ấm áp và sâu nặng ân tình những vần thơ của bài “Bầm ơi” ngày nào.

Sưu tầm

Bình luận Facebook