Ba lời cảm ơn- Bài thơ chưa từng công bố của Xuân Diệu

Chúng tôi xin được giới thiệu bút tích một bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu, lần đầu tiên được phát hiện, trong bản chép thơ tặng một người đàn ông vốn là đồng hương của thi sĩ tài danh.

Nhà thơ Xuân Diệu

Ba lời cảm ơn” nơi xứ người…

Trên nền tờ giấy đã ngả màu ố vàng, bài thơ “Ba lời cảm ơn” cùng lời đề tặng của thi sĩ Xuân Diệu vẫn sắc lẹm như ngày nào:

“Cảm ơn trời đất thật tài hoa/Đưa hết tình anh với đậm đà/Đem cả bài thơ và khúc nhạc/Sắc trời hương đất tạo em ra.

Cảm ơn thầy mẹ khéo nhân duyên/Sinh tạc ra em khối diệu huyền/Dáng nét làm cho anh quyến luyến/Sáng ngời đôi mắt khiến anh điên.

Lắm lúc nhìn em sững mắt anh/Cảm ơn em đã đón anh nhìn/Anh nhìn như thể rơi con mắt/Và cả thời gian cũng đứng im”.

Những lời lẽ tình tứ trong bài thơ dễ khiến người đọc nghĩ bài thơ được tặng cho một cô gái, một khối tình si mê đối với thi sĩ Xuân Diệu. Nhưng thực chất, bài thơ này được Xuân Diệu đề tặng cho một người đàn ông: “Chép tặng Đặng Của với tình đồng hương Bình Định và tình bạn tri âm”. Đặng Của – nhận vật được thi sĩ tặng thơ vốn là một tiến sĩ trong ngành dầu khí. Đặng Của sinh ngày 7/1/1938 tại làng Nho Lâm, Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định. Thi sĩ Xuân Diệu cũng sinh tại tỉnh Bình Phước nhưng ở làng Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước. Quê của Đặng Của và Xuân Diệu cách nhau đúng 3km.

Bài thơ được Xuân Diệu đề tặng vào năm 1982, Đặng Của khi ấy là Vụ trưởng Vụ Khoan – Khai thác dầu khí, một trong số những nhà địa chất hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam. Sau đó, ông từng giữ cương vị Giám đốc công ty Dầu khí II, TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Dầu Khí; Phó giám đốc công ty thăm dò khai thác dầu khí, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và cuối cùng là cương vị Phó Tổng giám đốc khoan Dầu khí Vietsovpetro, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trước khi về hưu năm 1999. Ông sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, người anh cả đã hy sinh năm 1954 ở Gia Lai đã để lại trong ông một nỗi buồn da diết. Đặng Của không ngờ sau này, khi chiến tranh kết thúc, trở về quê, ông lại tiếp tục nhận được tin còn có hai người em của mình cũng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước (mẹ của ông sau này được truy phong là Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Ông lao vào học tập và lao động vừa để quên đi nỗi nhớ nhà vừa với một động cơ rất đơn giản rằng, nếu làm được càng nhiều việc thì đường về quê nhà càng gần, như sau này anh tâm sự. Dường như “cảm” được nỗi buồn sâu xa trong lòng nhà khoa học tài ba, người đặt nền móng đầu cho mũi khoan sâu đầu tiên ở thềm lục địa Việt Nam với ngưỡng 3.303m, mà chỉ sau một tuần cùng nhau rong ruổi nơi đất khách, bài thơ cảm động ấy ra đời.

Những kỷ niệm bên trời Matxcơva

Tiến sĩ Đặng Của kể rằng, cái ngày định mệnh mà Xuân Diệu chép tặng bài thơ Ba lời cảm ơn là vào ngày 1/8/1982 tại Matxcơva hoa lệ. Khi ấy Đặng Của được cử sang Liên Xô để mua thiết bị cho giàn khoan dầu trong nước. Họ gặp và ở cùng nhau suốt một tuần liền tại nhà khách của sứ quán. Trước đó, Đặng Của đã nhiều lần sang Matxcơva, nhất là năm 1963 ông từng được cử đi du học tại Trường Đại học Dầu khí Matxcơva. Những năm ấy, đống tài liệu khoa học khổng lồ trên giảng đường và trong thư viện cộng với những dàn khoan hoành tráng tại hiện trường đã khiến “nhân vật chính” trong bản bút tích bài thơ Ba lời cảm ơn của Xuân Diệu ngỡ ngàng đến choáng ngợp.

Những năm ấy, Đặng Của lao vào học hỏi và tìm hiểu Matxcơva. Năm 1967, ông còn đoạt giải nhất tại cuộc bình chọn của Hội nghị khoa học dầu khí MAX với đề tài “Thời điểm dừng khoan hợp lý nhất”. Đây là giải thưởng duy nhất của một sinh viên nước ngoài về đề tài này đồng thời như một sự dự báo về tố chất của một tư duy khoa học tương lai. Luận văn tốt nghiệp “Thiết kế giếng khoan tìm kiếm, thăm dò ở độ sâu 4.200m” của Đặng Của đã được giáo sư Filatov.B.C, một trong số các chuyên gia hàng đầu thế giới về khoan sâu và nổi tiếng về sự “kỹ tính” đã nhận xét: “Kết quả phân tích, nghiên cứu đã đề xuất ra các yếu tố kỹ thuật rất hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi triển khai. Luận văn chứng tỏ sự chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc và nhất là tính sáng tạo của tác giả. Tôi đánh giá rất cao luận văn này”.

Chính những gắn bó này đã biến Matxcơva dường như thành “quê hương thứ 2” của Đặng Của. Ông thông thạo nơi này như lòng bàn tay mình vậy. Trong khi đó, thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu vốn tâm hồn luôn “treo ngược cành cây” lại quá bỡ ngỡ nơi nước bạn. Đến ngày nhà xuất bản ở Matxcơva hẹn đến lĩnh nhuận bút tác phẩm mà họ đã xuất bản thì Xuân Diệu lúng túng như gà mắc tóc, không biết lối nào mà đi. May thay, Đặng Của lúc ấy vừa đi tham khảo thiết bị khoan xong khá rảnh rỗi nên nhận làm hoa tiêu đưa Xuân Diệu đến tận nơi lĩnh tiền. Những buổi chiều đi dạo dưới Matxcơva hoa lệ, những bữa cơm thân tình hay những đêm dài nhớ quê giữa cái giá lạnh đến tê người ở xứ sở bạch dương khiến mối thâm giao giữa hai người đồng hương càng trở nên sâu lắng. “Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những ngày ở sứ quán bên Matxcơva, chỉ một tuần đó cũng khiến một người trong ngành tự nhiên như tôi thấu hiểu phần nào tâm hồn lãng mạn của thi sĩ tài danh Xuân Diệu. Tôi thực sự cảm thấy rất xúc động khi Xuân Diệu chép tặng tôi bài thơ Ba lời cảm ơn ngay trên đất bạn”, ông Đặng Của bồi hồi nhớ lại. Bản chép tay của Xuân Diệu ngày ấy, bao năm nay được Đặng Của giữ gìn cẩn thận và trân trọng như một báu vật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là bút tích bài thơ chưa từng được công bố của thi sĩ Xuân Diệu.

sưu tầm

Bình luận Facebook