Anh còn nợ em- bài thơ về mối tình dang dở

NHÀ THƠ XỨ TRẦM HƯƠNG

Nhiều nguồn tư liệu đều cho biết: Khi nhạc sĩ Anh Bằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, ông rất thích và phổ thành 3 bài: Anh còn nợ em, Anh còn yêu em và Từ thuở yêu em. Sau khi các bài hát phổ biến, nhất là bài Anh còn nợ em được nhiều người ưa thích, nhạc sĩ Anh Bằng có nhờ người tìm kiếm tác giả bài thơ nhưng khi tìm được thì nhà thơ Phạm Thành Tài đã qua đời. Nhạc sĩ Anh Bằng mới chép tay 3 bài nhạc và tặng cho người vợ của nhà thơ làm kỷ niệm.

Nhà thơ Phạm Thành Tài quê ở TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông từng là giảng sư tại Viện Ðại học Ðà Lạt trước năm 1975. Từ năm 1991, ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp bác sĩ Ðông y tại Hoa Kỳ năm 1995 và mất năm 1997.

Ông bắt đầu làm thơ, viết văn từ 1955. Ngoài các tác phẩm về y học, về văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm, gồm: Tình em còn đó (thơ), Hương gây mùi nhớ (thơ), Hoa đào năm ngoái (tập truyện).

Anh còn nợ em
Công viên ghế đá
Công viên ghế đá
Lá đổ chiều êm

Anh còn nợ em
Dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ
Con sông êm đềm

Anh còn nợ em
Chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm
Trời mờ mưa đêm

Anh còn nợ em
Nụ hôn vội vàng
Nụ hôn vội vàng
Nắng chói qua song

Anh còn nợ em
Con tim bối rối
Con tim bối rối
Anh còn nợ em

Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Cuộc tình đã lỡ
Anh còn nợ em.

Phạm Thành Tài

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Theo lời kể của người bạn học và là đồng hương với nhà thơ Phạm Thành Tài, thời học sinh, nhà thơ có quen một nữ sinh Trường trung học Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Nhưng chuyện tình của họ không có hồi kết vì sự ngăn cấm từ phía gia đình nhà gái. Cũng theo lời của người bạn nhà thơ, cô nữ sinh ấy rất xinh đẹp, từng được nhà trường lựa chọn đóng Trưng Trắc trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.

Chuyện tình không thành, trước khi rời Tuy Hòa lần cuối cùng, nhà thơ có lên tháp Nhạn tọa lạc trên núi Nhạn, khắc tên hai người trên một cây si trong nỗi khổ đau đến tận cùng. Mấy tháng sau đó, cô nữ sinh duyên dáng của Trường trung học Nguyễn Huệ lên xe hoa về làm dâu nơi xứ lạ. Sau đó, nhà thơ Phạm Thành Tài từ Sài Gòn có về lại Tuy Hòa, lên Tháp Nhạn, tìm lại những kỷ niệm ngày xưa, nén lại những vui buồn của mối tình dang dở trong bài thơ để đời Anh còn nợ em…

ÐÔI NÉT VỀ NÚI NHẠN

Núi Nhạn sông Ðà (đoạn sông Ba chảy qua Tuy Hòa trước khi đổ ra biển gọi là sông Ðà Rằng, tiếng Chăm có nghĩa là con sông lau sậy) là một trong những biểu tượng của Phú Yên, song gần gũi hơn cả là với người dân Tuy Hòa, vì cả núi và sông đều trong lòng thành phố. Gọi núi Nhạn vì trên núi có tháp Nhạn, tiếng Ê-Ðê và Jarai gọi là Yang Kơ Hmeng, là một công trình kiến trúc Champa còn khá nguyên vẹn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng vào khoảng thế kỉ XII.

Những ngày hè, những dịp lễ Tết, bao thế hệ học sinh, thanh thiếu niên Tuy Hòa thường rủ nhau lên núi Nhạn để phóng hết tầm mắt nhìn qua làng rau, làng hoa Ngọc Lãng bên kia sông sương khói bồng bềnh. Dưới sông Chùa – một nhánh nhỏ của sông Ðà Rằng – vài chiếc thuyền buồm xuôi ngược. Vào đông, gió từ biển thổi vào đủ lạnh để những đôi vai mềm tựa vào nhau, từng đàn chim én ríu rít vào trú ngụ trong ngôi tháp cổ. Nhiều người thích nhất những ngày đông lạnh như thế để được mặc áo ấm, được thả bộ lên núi Nhạn, để nhìn toàn cảnh Tuy Hòa, được làm thơ và ngắm từng đàn chim én báo hiệu mùa xuân đến…

Núi Nhạn, tháp Nhạn – một hình ảnh, một biểu tượng không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Tuy Hòa, Phú Yên. Bài thơ Anh còn nợ em của nhà thơ Phạm Thành Tài và bài hát cùng tên được phổ từ bài thơ này của nhạc sĩ Anh Bằng đã tạo thêm những xúc cảm mạnh mẽ cho nhiều người khi nhớ về Phú Yên, về Tuy Hòa, một vùng đất tươi đẹp và con người hiền hòa bên tháp Nhạn ngàn năm soi bóng…

Nguồn: Hội nhà văn

Bình luận Facebook