Thảo thơm mùa thị chín
Khi mùa mít chuẩn bị đi qua là mùa thị chín lại bắt đầu. Mới hôm nào, những quả thị tròn tròn màu xanh biếc, phải nhìn kỹ mới thấy. Thế mà khi tiết trời sang thu là ta lại thấy điểm vàng trên những vòm lá xanh, những quả thị lấp ló ẩn hiện, khoe sắc vàng ươm như nắng thu. Đó là nét đặc trưng của miền trung du Phú Thọ quê tôi.
Ngày còn thơ bé, tôi vẫn nhớ như in giữa khu vườn nhà bà ngoại ở cuối làng, sừng sững một cây thị lá xanh rì. Vào mùa thị chín, sáng nào chị em tôi cũng dắt nhau đến nhà ngoại để xem thị rụng. Vì cây rất cao, nếu các cậu không ở nhà trèo, thì rất khó để hái được từng quả thị chín cây còn lành nguyên. Những buổi đi làm đồng về, mẹ hay tranh thủ tạt vào ngoại.
Mùa nào thức ấy, khi thì vài ba trái ổi, trái na và vui nhất là những quả thị, bởi nó gắn liền với câu chuyện về cô Tấm thảo hiền. Tôi cứ háo hức chờ cổng mẹ sẽ ngả nón, chao ôi đến lưng nón thị màu vàng ươm, sực nức mùi thơm. Những quả thị chín mọng, tròn căng, phúng phính như má bé thơ được chị em tôi xếp lên bàn, ngắm nghía không chán. Có lúc lại áp mặt vào lớp vỏ quả mịn màng, mát rượi, hít hà mãi thứ hương thơm ngòn ngọt, thanh khiết.
Đây là món quà quê dân dã thay cho những món quà phải mất tiền mua, mà ngoại đã gom sẵn để gửi cho mấy đứa cháu háu ăn ở nhà. Bằng kinh nghiệm dân gian nên ngoại thường bảo “hồng tròn, thị vẹo, khế khoằng khoeo”. Vì tội háu ăn nên tôi cứ chọn quả to và tròn nhất, nhưng lại rất là nhiều hạt. Chị Lan và chị Linh tỏ vẻ sành sỏi hơn, chọn những quả thị vẹo hít hà một hồi rồi khẽ nặn cho khi nào quả thị thật mềm. Thịt của quả thị rất mịn, mang vị ngọt đặc trưng.
Chị em tôi cứ ngồi đầu hè, tha hồ mà sáng tạo ra những cách ăn thị của riêng mình. Sau khi nặn cho thị thật mềm, tôi hút đến khi quả thị rỗng sạch ruột. Do đã nặn mềm từ trước thịt quả sẽ mềm nhuyễn ra nên không phải ăn thị mà là hút thị. Ăn như vậy mới thực sự cảm nhận hết được vị ngon của thị. Vỏ thị chín có độ dai nhất định nên khi nắn nhẹ tay, tôi vẫn giữ được nó nguyên vẹn. Ăn xong, tôi hà hơi thổi phồng vỏ quả lên. Nhìn nó lại y như quả thị vậy, mấy chị em lại cười giòn tan… Thấm thoát những năm tháng tuổi thơ đã xa. Cây thị nhà ngoại đã bị chặt để làm nhà cho các cậu ở riêng, ngoại cũng về với tổ tiên. Bây giờ làng chỉ còn duy nhất một cây thị, đã được công nhận là cây di sản. Hàng ngày nơi đây là nơi vui chơi, giải trí của tất cả mọi người.
Một mùa thu nữa lại về, mùa của tuổi thơ, mùa của tiếng cười, mùa của hương thị trong kí ức. Chị em tôi lại ngậm ngùi nghe như tiếng ru của ngoại còn văng vẳng đâu đây “Thị ơi, thị rơi bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.
Nguyễn Trung Thành