NGỌC LAN THUỞ BAN ĐẦU
Ngọc lan! Một mùa ngọc lan nữa đang về. Trên lưng đồi, những búp ngọc lan nòn nõn bắt đầu nhú lên chúm chím như những ngón xinh thon mềm khéo léo lướt nhẹ trên từng phím dương cầm cổ điển. Sau mấy ngày nắng mới gieo vần, hoa ngọc lan bắt đầu bẽn lẽn bung nở thành từng chùm cánh trắng tinh khôi, mướt mịn, điểm xuyết một nét màu sinh động giữa núi đồi bát ngát chim ca. Và con suối nhỏ chảy qua trước cổng nhà tôi lại lặng lẽ chở những cánh hoa nặng nỗi ưu phiền trôi xa, xa mãi…
***
Mẹ lội xuống suối tắm rồi nhặt những cánh hoa ngọc lan dập dềnh trôi dạt, đựng đầy trong chiếc nón lá vá chằng, vá đụp. Về đến nhà, mẹ khấp khởi gọi vang:
– Nhung ơi, ra mà xem Thùy mang gì về cho Nhung này.
Đang nấu dở nồi cá thửng kho mật, tôi vội chạy ra sân, dùi dụi đôi mắt lèm nhèm vì khói bếp. Mẹ tôi quần áo ướt nhèm, tóc rỏ nước tong tỏng, đôi chân dính đầy bùn đất. Tôi nói nhỏ nhẹ:
– Mẹ vào nhà thay quần áo đi kẻo cảm lạnh bây giờ.
– Ứ – Mẹ ngấm nguẩy mái tóc ướt rượt làm mấy hạt nước li ti văng lên mặt tôi – Đợi Thùy kết xong cho Nhung một chiếc vương miện bằng hoa ngọc lan đã nhé.
Tôi xót xa nhìn mẹ ngồi bệt giữa sân, đôi tay sần sùi vết sẹo loay hoay với những cánh hoa ngọc lan nhũn ướt. Hình như, cứ đến mùa ngọc lan, bệnh tình của mẹ tôi lại càng trở nên trầm trọng…
*
Ngày xưa, mẹ từng là cô gái xinh đẹp có tiếng trong vùng. Đêm đêm, tiếng sáo gọi bạn của trai làng lại thao thiết đợi chờ ngoài cổng. Mẹ còn nhớ, chú Thức nhà hàng xóm là người yêu mẹ say đắm nhất. Tiếng sáo của chú lúc nào cũng ngân nga, da diết nỗi niềm. Nhưng chẳng hiểu sao, mẹ lại phải lòng bố, người con trai chất phác, vụng về không biết thổi sáo tìm duyên mà chỉ biết lén lút mang những chùm hoa ngọc lan thơm dịu dàng luồn qua ô cửa sổ bên hồi rồi ngại ngùng nhảy qua hàng rào chạy đi khi con chó vàng đánh hơi thấy người lạ, sủa nhằng nhặng…
ngoc-lan-thuo-ban-dau
Chuyện tình của bố mẹ được viết nên bởi những mùa ngọc lan xưa cũ. Ngày ấy, mẹ thường lấy cớ ra bờ suối giặt quần áo để được thỏa thích ngắm nhìn bụi ngọc lan thả những cánh trắng ngọt ngào xuống dòng suối trong êm. Quần áo được giặt từ con suối nhỏ xinh này cũng thoang thoảng mùi hương ngọc lan bịn rịn. Một hôm, mẹ đang mải miết vớt những cánh hoa nhẹ trôi thì nghe tiếng bố từ bên kia bờ suối gọi khẽ:
– Thùy! Đang làm gì đấy?
Mẹ ngước mắt nhìn sang. Bố đứng bên bụi ngọc lan cười cười ngượng nghịu. Mẹ thẹn thùng đáp:
– Thùy vớt hoa ngọc lan, anh Trường ạ! Hoa đẹp lắm!
– Đẹp.. đẹp… không bằng Thùy đâu.
Tai bố bỗng dưng đỏ lựng như quả mâm xôi chín. Mẹ cố nén một nụ cười sau bờ môi, nhưng mẹ chợt nhận ra mặt mẹ cũng đang ửng nóng. Mẹ lúng túng cúi gằm soi mình trong dòng nước mát lành. Mãi một lúc lâu sau, bố mạnh dạn nói một câu làm vỡ tan bầu không khí im ắng:
– Để Trường bê hộ chầu quần áo về nhà cho Thùy nhé?
Mẹ đáp lời bố bằng một cái gật đầu ý nhị. Có một điều gì đó thổn thức trong trái tim mẹ tựa như những búp ngọc lan muốn bật cánh đón chào ban mai. Mẹ gọi đó là tình yêu – một tình yêu rất đỗi êm đềm và giản dị. Đâu đây, cơn gió ấm chở đầy hương hoa dào qua từng phiến lá rồi phất phơ trên tóc mẹ như chòng ghẹo, trêu đùa…
Đám cưới của bố và mẹ diễn ra giữa mùa ngọc lan nở rộ. Hôm đó, hoa ngọc lan dường như rạng rỡ hơn để chúc phúc cho hai người. Bố đã hứa hẹn với mẹ rất nhiều điều. Mẹ bẽn lẽn vùi mặt vào ngực bố:
– Em không cần gì nhiều. Chỉ cần tình cảm đôi ta luôn thuần khiết và ngọt ngào như những đóa ngọc lan thuở ban đầu.
*
Những ngày xưa đã xa, mỗi chiều lên nương làm cỏ ngô trở về, mẹ thường ngang qua bờ suối hái những chùm hoa ngọc lan e ấp chớm nụ để tối đến pha những ấm trà thơm cho bố uống thanh nhiệt. Đêm đêm, khi ánh trăng huyền hoặc trải vàng khắp vuông sân, trên chiếc chõng tre, bố vừa thưởng thức trà, vừa tâm tình với mẹ những chuyện làm ăn kinh tế. Thi thoảng, chú Thức hàng xóm sang chơi đàm đạo. Có lần, chú nói đùa:
– Nếu không có những đóa ngọc lan của Trường thì bây giờ Thùy đã là vợ tôi rồi đấy nhé.
– Cái duyên, cái số không biết đâu mà lần, Thức ạ – Bố tôi điềm đạm.
Rồi bố và chú Thức nói với nhau những chuyện đâu đâu mà tôi nghe câu được, câu mất. Và, tôi cũng không tò mò nghe lén nữa, bởi tâm trí tôi đã bị cái mùi hoa ngọc lan ngòn ngọt, say say ấy thôi miên vào giấc mộng yên lành…
*
Cuộc sống của gia đình tôi cứ thế trôi đi bình lặng, củ sắn, củ khoai đạm bạc qua ngày mà vẫn đầm ấm, an vui. Nhưng rồi, sau cái lần chạy vạy chi phí để đưa tôi đi viện phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh, mọi thứ trở nên túng quẩn. Những vật dụng có giá trị trong nhà phải mang bán dần trừ nợ. Bố luôn tự trách mình là người đàn ông vô dụng khiến mẹ con tôi phải khổ. Mẹ chẳng bao giờ than vãn mà luôn nhẹ nhàng động viên bố:
– Khổ mấy em cũng chịu được. Vợ chồng mình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn là được, anh ạ. Vật chất biết chừng nào cho đủ?
– Ngày trước nếu lấy Thức…
– Mười mấy năm qua, em không hề hối hận khi chọn anh – Mẹ cắt ngang lời bố.
*
Bố theo vợ chồng chú Thức đi xuất khẩu lao động bên Trung Quốc. Ngày bố đi, thương chồng, mẹ khóc sưng húp hai mí mắt. Bố không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ vì sợ sẽ bị khóc theo. Chú Thức xuề xòa: “Người ta làm được thì mình làm được. Có gì đâu mà sợ”. Khi bố và chú Thức sắp sửa lên xe, mẹ lật đật chạy theo chỉ để nhét vào ba lô của bố một gói trà ngọc lan. Bố ôm chầm lấy mẹ:
– Hãy đợi anh!
*
Hai năm sau, chú Thức kiêu hãnh về làng trên chiếc ô tô bóng loáng. Chú chậm rãi kể lại rằng, bố tôi sang bên ấy gặp thời, phất lên như gió rồi đã lấy cô con gái xinh đẹp của điền chủ làm vợ, hưởng thụ một cuộc sống giàu sang, vương giả. Thảo nào mà gần hai năm qua, bố không hề liên lạc với mẹ con tôi lấy một cuộc gọi nào chứ chưa nói gì đến việc gửi tiền về để mẹ trang trải nợ nần, sinh hoạt. Bố đâu biết rằng, hai năm qua, đêm nào mẹ cũng tựa cửa chờ mong tin bố? Ánh mắt chú Thức nghiêm nghị nhìn mẹ tôi như để thêm một lần nữa khẳng định những lời chú nói là sự thật. Mẹ tôi vịn lấy bờ vai chú Thức, đau xót gào lên:
– Anh đang nói đùa phải không, anh Thức? Chồng tôi không phải là người như vậy!
– Lòng người dễ đổi. Chỉ có tình yêu của tôi dành cho em là vẫn luôn vẹn nguyên như những ngày xưa.
– Không phải! Không phải!
Chú Thức rơm rớm nước mắt:
– Vợ tôi cũng bỏ tôi mà đi theo người đàn ông khác rồi, Thùy ạ. Tôi hiểu tâm trạng của Thùy lúc này. Tôi có thể che chở cho mẹ con Thùy được chứ?
Mẹ xô chú Thức ra:
– Anh im đi!
Kể từ đấy, mẹ tôi mắc bệnh trầm cảm, không nói, chẳng cười, nét mặt luôn phủ một lớp u hoài, khắc khổ. Ngày qua ngày, từ lúc sương giăng mẹ đã lầm lũi lên ngọn đồi sau nhà tỉa ngô, trồng sắn; cho đến khi tắt nắng mới trở về. Trong vành nón lá bạc màu của mẹ luôn đựng đầy những cánh trắng ngọc lan. Mẹ vẫn giữ thói quen pha trà ngọc lan, dù trong nhà không còn ai uống nó. Tôi biết, mẹ vẫn đang hi vọng về sự trở về của bố. Nhưng điều đó, có lẽ sẽ mãi mãi chẳng trở thành hiện thực. Nhiều đêm, nghe tiếng lá rơi xào xạc ngoài hiên, mẹ giật mình tỉnh giấc, ngỡ như tiếng bước chân bố tìm về. Để rồi, thất vọng, mẹ lại khóc thầm sùi sụt trong đêm…
Mẹ cứ chờ, chờ trong vô nghĩa. Biết mấy mùa ngọc lan đã trôi qua mà bố vẫn biền biệt nơi nao? Bệnh tình của mẹ diễn biến thất thường. Dần dần, mẹ hóa điên. Chiều chiều, mẹ vẫn thường tha thẩn dọc bờ suối nhỏ hái hoa ngọc lan. Vừa đi, mẹ vừa hát. Giọng mẹ thảm thiết, sầu ai vang vọng khắp núi rừng có lúc như cười, có khi như khóc:
“Ngọc lan đã nở trắng hè
Anh ơi sao mãi chẳng về với em?”
Mỗi lần lên suối dẫn mẹ về, lòng tôi lại quặn thắt, xót đau. Màu ngọc lan trắng với thứ hương thầm bâng khuâng loãng tan trong làn gió chiều miên man sao mà xốn xang và hắt hiu đến thế? Kiếp hoa ngắn ngủi, mới nở đã tàn, ngọc lan trẫm mình xuống con suối nhỏ như một dòng hoài niệm chảy dài vô tận, buồn mênh mang…
Cứ cách mấy hôm, chú Thức lại sang nhà cho mẹ con tôi khi thì hộp sữa, gói bánh, lúc thì cân thịt, túi cam. Tôi luôn tìm cách từ chối nhưng chú bảo cứ nhận, bởi đó là tấm lòng của chú. Bao lần, chú gặng hỏi:
– Nhung có muốn sang Trung Quốc thăm bố không?
Tôi lắc đầu:
– Cháu không muốn đi đâu hết! Cháu phải ở nhà chăm sóc mẹ cháu.
Chú Thức cố gắng vẽ ra viễn cảnh về một xứ sở đẹp như thiên đường. Chú hứa hẹn bao nhiêu điều thú vị. Cách nói chuyện của chú thật sự rất cuốn hút. Thực lòng, tôi rất tò mò muốn biết xem Trung Quốc là đất nước như thế nào? Tôi muốn tìm bố để hỏi cho ra nhẽ tại sao bố lại bỏ mặc mẹ con tôi trong lúc ở nhà đang khó khăn chồng chất? Nhưng chợt nghĩ đến mẹ, tôi khựng lại. Tôi đã mất bố rồi. Và tôi không thể để mình mất mẹ!
*
Như cái kết bất ngờ của một bộ phim, bố trở về, lếch thếch như vừa chui dưới bùn lên. Tóc xơ xác chạm vai. Râu ria loàm xoàm choán lấy gương mặt sạm đen sẹo ngang, sẹo dọc. Chân tay bố gầy cong queo như mấy nhánh củi khô. Bố mặc bộ đồ màu xám rách tơi tả. Toàn thân tôi lạnh toát như lên cơn sốt rét. Mãi một lúc sau, tôi mới bủn rủn chạy ra đón bố. Tôi ngã khuỵu trong vòng tay bố, khóc nấc lên:
– Bố! Bố ơi! Bố tệ lắm!
Bố hôn lên trán tôi, nước mắt rỉ ra lăn xuống môi tôi mằn mặn:
– Con gái! Bố đã về đây! Bố xin lỗi!
Rồi bố tiến lại chỗ mẹ đang ngồi nơi góc sân. Mẹ miệt mài lấy sợi thép nhỏ xâu qua những cánh ngọc lan rũ úa. Bố đặt tay lên vai mẹ, sướt mướt:
– Thùy ơi!
Mẹ rụt vai, sợ sệt ôm khư khư chiếc vương miện hoa ngọc lan đang kết dở:
– Ai đây? Không được cướp vương miện của Thùy nha. Thùy làm vương miện cho Nhung đấy!
Tôi thì thầm vào tai mẹ:
– Mẹ ơi, bố đấy! Bố về với mẹ con mình này, mẹ.
Mẹ liếc mắt nhìn bố, dè chừng:
– Bố nào? Sao vừa bẩn, vừa hôi thế?
*
Bố tôi không phải là người đàn ông bội bạc như những gì chú Thức bịa đặt. Chính vợ chồng chú đã lừa bán bố cho một đồn điền trồng chuối. Bố phải làm việc quần quật suốt ngày như nô lệ. Tháng trước, nhân lúc ông chủ và đám lính canh say rượu, bố đã chui qua họng cống thoát nước trốn được ra ngoài. Nghe bố kể đến đâu, nước mắt tôi giàn giụa tuôn ra đến đó. Mẹ tôi thì cứ giật giật tóc bố rồi cười ha hả:
– Đàn ông mà để tóc dài! Lêu lêu!
Sau bao mùa ngọc lan chờ đợi, càng ngày, mẹ càng tiều tụy như những bông hoa tàn khép nắng chiều phai. Mẹ đội chiếc vương miện hoa ngọc lan lên mái tóc khét nắng rồi hí hửng hỏi:
– Thùy đẹp không? Thùy giống hoa hậu chưa này?
Bố khẽ khàng nắm lấy bàn tay xương mảnh của mẹ, giọng ướt át:
– Với anh, em luôn đẹp như đóa ngọc lan thuở ban đầu!
Phan Đức Lộc