GIAI THOẠI VỀ HỒ XUÂN HƯƠNG
Hồ Xuân Hương con ông Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), em cùng cha khác mẹ với quận công Hồ Sĩ Đống (1738 – 1786), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lôi, Nghệ An. Mẹ là người xứ Bắc, khi cha và anh mất, Hồ Xuân Hương tuy không còn nhỏ nhưng với thân phận thê thiếp lẽ mọn, hai mẹ con đành phải đưa nhau trở về đất Bắc sinh sống.
Ngôi nhà nhỏ ven Hồ tây thuộc phường Khán Xuân, khu vực núi Nùng (Bách Thảo- Hà Nội) dẫu chỉ tranh tre nứa lá, nơi Hồ Xuân Hương vừa xem sách, làm thơ, vừa dạy học trò nuôi mẹ già. Nhờ nhân thủy hữu tình mà khách khứa dập dìu ra vào khá đông.
Những bài thơ và giai thoại bà để lại trong thời kỳ này khá nhiều. Giai thoại đầu tiên xuất hiện ngay sau khi bà từ Vĩnh Phú về dựng cổ nguyệt đường dạy học, làm thơ.
Hôm ấy một viên quan lớn trong triều đi vãn cảnh hồ Tây. Trời trong, nước xanh- cảnh vật đẹp đến nao lòng vì bao nhiêu tinh tú của đất trời dường như tụ hội cả ở nơi đây. Nơi mà tâm hồn nhạy cảm của bà nhìn ra và quyết định dừng lại an cư lập nghiệp chứ không tiến vào kinh thành Thăng Long – nơi bao văn võ bá quan, dân kinh kỳ kẻ chợ có máu mặt đều tìm vào – vì vị trí khuất nẻo so với kinh thành…
Tiếng quân lính hô hét dẹp đường, cảnh võng lộng nghêng ngang, tiền hô hậu ủng, phá tan cảnh đẹp của bầu trời nơi đây. Xuân Hương đang giặt ở ven hồ thấy chướng tai gai mắt, liền buông rải quần áo ven bờ, điềm nhiên nhìn thẳng vào kiệu của quan đang đi tới, ngẫm nghĩ trong đầu, tìm tứ thơ, rồi đọc to:
Võng điều quan lớn đi trên ấy
Váy rách bà con giặt dưới này.
Ví cái võng điều của quan lớn với váy rách của bà con quả là chua cay. Xem ra, quan thời xưa chả khác quan thời nay là mấy. Trong khi bà con khổ sở, cùng cực thì quan vơ vét hết cho bản thân. Nhà cao cửa rộng, vợ nọ con kia, còn ô dù võng lọng, nghêng ngang, quát lác, chỉ ăn tàn phá hại, có lợi gì cho dân đâu ?
Nghe câu đối, cả thầy, cả tớ trợn mắt nhìn Xuân Hương, thấy phong thái ung dung, ngôn từ sóc lỏi, độc địa, biết không thể là đối thủ để nạt nộ, đành lẳng lặng đi qua như không hề nghe thấy…Chuyện này mà để lan truyền ra khắp kinh thành Thăng Long thì mặt quan thành mặt mo, còn nhục hơn bị bà con dùng váy rách che lên mặt. Từ đó, như quả pháo xịt ngòi, quan mất hẳn thói nghêng ngang, hống hách, đi đâu bỏ hết lính dẹp đường ở nhà, Hồ Tây trở lại với khung trời cao rộng, cây xanh, nước biếc, đẹp mê hồn.
Giai thoại thứ hai bắt nguồn từ hai chữ cổ nguyệt (ghép lại thành chữ Hồ) có người cho là của Chiêu Hổ chòng ghẹo bà.
Người cổ lại còn đeo thói nguyệt
Buồng xuân chi để lạnh mùi hương ?(1)
Câu đối ghép lại đủ cả tên họ bà, còn tách ra lại là sự trách khéo: “Đã tự coi là người cổ hủ, trọng nề nếp, gia phong lại còn thích thói hưởng nguyệt, xem hoa, lả lơi, thi phú ? Đang tuổi xuân thì còn hương sắc, mà không gìn giữ nền nếp, gia phong thì buồng xuân còn để lạnh đến bao giờ ?
Sát nhà là đền Trấn Võ, có gác chuông cao, treo quả chuông lớn, nhiều chàng nho sĩ đến thăm, cũng học đòi, ti toe làm thơ. Vốn táo tợn, Xuân Hương chẳng chịu tha cho những kẻ đầy bồ chữ nghĩa, tưởng thênh thang học rộng, tài cao mà toàn đồ chè chai giấy lộn ấy. Xuân Hương quyết lộn trái chúng ra:
– Được gặp các thầy nơi đền cao cửa kín này thật vinh hạnh, thóang trông đã rõ các thầy tài học uyên bác. Dám xin các thầy một bài thơ được không ạ ?
-Tưởng việc gì chứ thơ thì sẵn lắm, cô cứ ra đề cho.
-Dạ tiện đây xin các thầy vịnh quả chuông luôn, cứ lấy vần uông làm vần.
-Tưởng được gãi đúng chỗ ngứa, ai ngờ vớ phải quả chuông rè, chuông câm, ngoài hai tiếng kêu “bính boong” là hết, biết gắn vần uông vào chỗ nào đây ?
Ngần ngừ, mãi vẫn tắc tị, một thầy đánh liều gạ gẫm :
– Vần uông không ổn cô ạ, hay là…
Biết tỏng mớ chữ nghiã giấy lộn trong đôi bồ của các thầy không mấy đáng giá, Hồ Xuân Hương tung chưởng cho họ rơi từ đỉnh gác chuông tới… tận đáy hồ, không sao mọc mũi sủi tăm lên được:
– Sao lại không ? Em thử làm vài câu cho các thầy nghe nhé :
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng ấy cái uông.
Càng ở càng “sặc nước”, quần áo ướt sũng sĩnh vì mồ hôi, nước lạnh
Hồ Xuân Hương dội lên đầu, các thầy đành ngớ ngẩn cười trừ rồi cút thẳng. Mỗi lần nhớ lại vần uông, cái chuông của thi sĩ họ Hồ, tên Hương lại buốt tận xương hông, không dám giở trò văn vẻ, chữ nghiã ra trước bàn dân thiên hạ nữa.
Cũng bởi nhà ở gần đền mà Hồ Xuân Hương hay thơ thẩn đi dạo, lần ấy đúng vào dịp Triều đình mở khoa thi, các sĩ tử, văn nhân từ khắp các tỉnh thành trong cả nước dập dìu về kinh thành Thăng Long dự thi rất đông. Trong số đó có “cậu ấm” con quan chánh chủ khảo kỳ thi, cùng đám bạn vàng giầu có. Nhân chơi hồ Hoàn Kiếm thấy cảnh Đền đẹp liền kéo vào. Để tỏ rõ tài thơ phú trước đám bạn vàng, cậu con chánh chủ khảo liền “ Tức cảnh sinh tình” vịnh luôn một bài “thẩn” đề vào ngay vách Đền làm “ kỷ niệm”:
Khen ai đổ đất đắp nên chùa
Một nếp thù lù ở giữa hồ,
Mặt nước bóng chiều đà bảng lảng
Làm sao vẫn chửa thấy chuông khuơ ?
Xuân Hương đang thơ thẩn quanh đó, thấy mọi người cười cợt, chỉ trỏ, liền sà vào, bắt gặp bài thơ và tác giả “rặn thơ” liền ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cười chán, bà mượn bút mực, vung tay đề tiếp bài thơ “cảnh tỉnh’ của mình bên cạnh để trả lời “cậu ấm” và một xâu đám bạn lòi tói- những cốc chén, sứt mẻ, rạn vành, gẫy quai, thích chơi trèo của chúng:
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét trả đền.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, gặp người khẩu khí chững chạc đến thế, cậu ấm đành phải dựa cột…để nghe cho thủng, xong bấm bụng, xủng xong lốc nhốc kéo cả xâu chuỗi về. Chẳng bao giờ dám khoe dại, khoe khôn nơi vách đền nữa. Đền được trả lại vẻ đẹp cổ kính, u tịch trang nghiêm ban đầu. Vì sau đó chẳng ai dám vượt mặt “Bà chúa Thơ Nôm” để đề “thẩn” lên tường, làm bẩn tường nữa.
Lại một lần nữa, lúc này tiếng tăm của bà đã nổi khắp thành Thăng Long. Đang lững thững từ chùa Trấn Quốc về Cổ Nguyệt đường thì nghe có tiếng lơi lả, chòng ghẹo ở phía sau, biết rõ căn bệnh: ăn không nên đọi, nói chẳng thành lời của các thầy, Xuân Hương lẳng lặng men theo men hồ, đến sát chân núi Nùng, cạnh nhà, mới dùng lời sắc như dao để cắt đuôi:
– Chả mấy khi được gặp các thầy, em xin đọc hầu các thầy một bài nhé:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy phép làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.
Nghe khẩu khí biết ngay là Hồ Xuân Hương, các thầy ngượng chín cả người. Tưởng đánh trống qua cửa nhà trời, ai ngờ sấm dội, mưa chan…gẫy cả dùi, vỡ cả trống. Tứ, ngũ túc dúm hết lại, suýt thì lộn cổ xuống hồ. Chờ cho Xuân Hương tung tăng vào hẳn trong nhà, các thầy mới dám xiêu vẹo bước. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Đã ngứa nọc, buồn sừng lại gặp phải dậu thưa, hoa rữa, gỡ chẳng ra lại còn bị cười lỡm đến thối nọc, gẫy sừng./.
(Theo vanchuongviet )