Nhà thơ Chính Hữu: Người bộ hành lặng lẽ

Trong làng thơ, Chính Hữu là một trường hợp đáng để nhiều người mơ ước. Tuy viết ít, bình quân mỗi năm chưa được một bài, nhưng thời kì nào ông cũng có bài hay. Khi còn rất trẻ, mới chân ướt chân ráo vào nghề ông đã có thơ hay. Ở tuổi sung sức, cần một sự thể hiện trách nhiệm bằng thơ, ông cũng có thơ hay. Và ở tuổi mãn chiều xế bóng, thơ ông vẫn còn hay.

Thơ Chính Hữu có cái nghiêm ngắn của “nhà binh”, nhưng không khuôn cứng. Nó vừa là cảm xúc, vừa là trí tuệ. Mặc dù rất kiệm lời nhưng đọc thơ Chính Hữu, ta vẫn thấy đậm hơi thở thời đại, đồng thời thấy được phần nào chân dung tác giả. Thơ Chính Hữu luôn cho ta cảm giác, đằng sau những con chữ là một người sâu sắc, kinh lịch việc đời.

Nhà thơ Chính Hữu (1926-2007)

Tên tuổi Chính Hữu bắt đầu “nổi” kể từ khi ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô và viết bài thơ Ngày về (năm 1947) để nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc. Bài hát được biết đến rộng rãi đồng thời với việc phần lời của nó bị đem ra mổ xẻ, phê phán. Đây là đoạn thơ thường được nhắc đi nhắc lại như một ví dụ tiêu biểu về lối sáng tác mang hơi hướng tiểu tư sản, với cách dùng từ mỹ miều, xưa cũ:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi, đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.

Không phải đoạn thơ bị phê phán vì vẽ lên hình ảnh người lính giày dép lươm bươm (các nhân vật trong bài thơ Đồng chí còn ăn mặc… hoàn cảnh hơn nhiều). Nó bị phê phán vì những chữ “chưa trắng nợ anh hùng”, những chữ “giày vạn dặm”, “bụi trường chinh” không hợp với tố chất, tâm lí của người lính thời đại mới, thậm chí nó còn gợi nhớ những nhân vật hảo hán trong các truyện kiếm hiệp của Trung Quốc trước đây. Bản thân tác giả, ông cũng thấy ngượng bởi lối sáng tác có phần xa lạ với thực tại của cuộc kháng chiến (sau này, trong các tập thơ được xuất bản, kể cả xuất bản sau thời kì đổi mới, Chính Hữu cũng không bao giờ cho in lại Ngày về, dù những đoạn như đoạn thơ trên không phải không còn người thích). Chính thái độ thực sự cầu thị ấy của tác giả đã trả lời cho câu hỏi: Tại sao chỉ một năm sau khi viết Ngày về, Chính Hữu đã có sự bứt phá ngoạn mục: Viết nên bài thơ Đồng chí – một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

Điểm lại mặt bằng thơ ca ngày ấy, ta dễ dàng nhận thấy, cùng với Chính Hữu, cũng đã có một số tác giả đưa hai chữ “đồng chí” vào thơ (như Nguyễn Đình Thi với Không nói, Tố Hữu với Bầm ơi, Hồng Nguyên với Nhớ…), nhưng không bài nào chủ đề “đồng chí” lại xuyên suốt, lại tập trung như bài thơ của Chính Hữu (mặc dù trong bài, tác giả chỉ nhắc tới hai chữ ấy đúng một lần), và cũng không bài nào có thể dùng chữ “Đồng chí” để đặt tên cho toàn bài hợp hơn trường hợp bài thơ của Chính Hữu.

Đồng chí – đó không phải là kiểu định nghĩa khô khan như trong từ điển: “Đồng chí: Người cùng chí hướng chính trị, trong quan hệ với nhau” (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà nẵng, 2004). Đây là tình cảm gắn bó giữa những người cùng cảnh ngộ, cùng môi trường sống (trước đây ta gọi là cùng giai cấp): “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Nhờ cùng chung mục đích, cùng chung lý tưởng chiến đấu mà từ “đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”, họ đã trở nên những người bạn thân thiết, thậm chí, như ruột thịt một nhà: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”, để rồi một lúc nào đấy phải bất thần thốt lên hai tiếng đầy bùi ngùi, xao xuyến: “Đồng chí!”.

Trước Chính Hữu, trong bài thơ Cá nước viết về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa một cán bộ kháng chiến và một người lính Vệ quốc quân, Tố Hữu cũng đã nhấn mạnh cái cảm xúc “gần nhau là thân thiết” giữa những người cùng chung chí hướng: “Một thoáng lặng nhìn nhau/ Mắt đã tìm hỏi chuyện/ Đôi bộ áo quần nâu/ Đã âm thầm thương mến”. Vì cùng chung chí hướng nên chỉ nhìn sự đồng màu giữa hai bộ quần áo của nhau thôi, họ đã thấy thân thương lắm rồi. Huống gì, như trong trường hợp hai nhân vật của Chính Hữu: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày…”, cùng là bạn lính chung cảnh áo rách, quần vá, trời đêm buốt giá (có thể đến mức răng va vào nhau lập cập), vậy mà vẫn cố nhoẻn cười chào nhau…

Thơ ca vốn tránh nói thẳng tuột tình cảm của mình, nhưng ở đây, việc tác giả hạ một câu thơ đầy cảm thán: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, thiết nghĩ không lúc nào hợp hơn, và xúc động hơn. Càng đáng yêu, đáng cảm động biết bao cách thể hiện tình cảm của những người lính, từ tiếng “đồng chí” thốt lên âm thầm trong đêm, đến cái nắm tay sẻ chia giữa trời sương buốt giá, tất cả đều “lời ít, ý nhiều”…

Nếu như với đời thơ Hoàng Trung Thông, chỉ cần hai câu “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đã đủ làm nên thương hiệu của ông thì với Chính Hữu, chỉ cần một câu thơ 4 chữ “Đầu súng trăng treo” thôi (trong đoạn kết bài thơ: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”) cũng đủ khiến tên tuổi ông được nhiều người biết tới. Chắc chắn, trong các nhà thơ đương đại Việt Nam, không ai có câu thơ ngắn hơn mà nổi tiếng hơn câu thơ này.

Nhân đây, cũng xin nói thêm một ý: Nhiều nhà phê bình đã đưa ra nhận xét, là thơ Chính Hữu rất hiếm chữ thừa, đặc biệt là với những bài tiêu biểu như Đồng chí. Sự thực, đọc câu thơ “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, nếu để ý kĩ ta sẽ thấy chắc chắn thừa… một chữ. “Đứng cạnh nhau” (hoặc “Đứng bên nhau”) là đủ, sao lại phải “Đứng cạnh bên nhau”? Tất nhiên, để chữa câu này không dễ, bởi nếu tước đi một chữ, nó sẽ bị hẫng, chí ít là nghe cũng ngang tai. Còn nếu bỏ đi hai chữ, để chỉ còn “Bên nhau chờ giặc tới” thì nghe lại nhẹ quá, không thể hiện được cái khắc nghiệt, cái ác liệt của chiến trường, nơi những người lính phải bấu víu, phải kề vai sát cánh tương trợ nhau…

Như vậy, mặc dù được ghi nhận là bài thơ tiêu biểu nhất trong đời thơ của Chính Hữu, song Đồng chí vẫn còn… sạn. Bài “Đêm Hà Nội” viết sau đó hai năm mới thực là bài thơ chuẩn mực đến từng chữ. Bài thơ cho thấy một Hà Nội thời tạm chiếm qua những câu ngắn gọn mà xao xác, gợi mở khôn cùng, chắc chắn phải mất nhiều trang văn mới diễn tả hết được: “Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng/ Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê/ Ầm ì tiếng súng”.

Những đoạn tả cảnh, tả người (những nhân vật của ta bí mật trở lại Hà Nội hoạt động) cũng thực tài tình: “Ai về đó/ Trăng chếch bóng đen/ Dài trên đường nhựa/ Loáng đèn”. Tưởng như với việc tác giả đẽo bớt chữ đi, để cho câu cuối cùng của khổ thơ gọn ghẽ hơn, đã khiến sự xuất hiện của nhân vật cũng trở nên ấn tượng hơn, tạo hình hơn. Nó như dài ra, nhọn ra trên con đường nhựa loáng đèn ấy.

Thơ Chính Hữu khá giàu liên tưởng. Đi tàu hỏa thăm Xibiri, từ toa tàu nhìn ra vùng đất quanh năm băng giá, ông thấy: “Những ngôi nhà mọc như lò sưởi/ Những con người ấm như ngọn khói” (bài “Qua Xibiri”). Đi đánh giặc khắp từ Nam ra Bắc, đâu đâu ông cũng gặp những ngọn đèn dầu và ông liên tưởng nó như người “chong mắt đêm thâu”. Không chỉ liên tưởng suông, tác giả còn đẩy hình tượng lên tầm khái quát: “Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt/ Như miền Nam/ Hai mươi năm/ Không đêm nào ngủ được/ Như cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức” (bài “Ngọn đèn đứng gác”). Nhìn cảnh trang giấy học trò lả tả dưới sân trường sau trận bom của không lực Mĩ, ông thổn thức với một liên tưởng đầy ám ảnh: “Chúng đem bom nghìn cân/ Giội lên trang giấy/ Mỏng như một ánh trăng ngần/ Hiền như lá mọc mùa xuân” (bài “Trang giấy học trò”). Bài thơ này từng một thời được đưa vào dạy trong nhà trường và đánh động trái tim nhiều thế hệ học trò. Những sự liên tưởng của Chính Hữu không chỉ xuất phát từ cái nhìn của con mắt mà còn từ cái nhìn của tấm lòng nên nó luôn gây được sự ám ảnh, xúc động lòng người.

Chính Hữu trước hết là một nhà thơ quân đội. Đa phần đề tài trong thơ ông gắn liền với những sự kiện nảy sinh từ hai cuộc kháng chiến. Sau này, khi chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa thế kỷ XXI, ông có làm một đôi chùm thơ thể hiện tâm thế của mình trước nhịp sống mới. Bạn đọc bất ngờ vì gặp ở ông một quan niệm sống lịch lãm và thú vị qua bài thơ Người bộ hành lặng lẽ, nhất là khi ông gửi lời nhắn nhủ tới Rútxô (J.J.Rausseau, nhà văn Pháp thế kỷ XVIII), tác giả cuốn Những mơ mộng của người bộ hành cô độc: “Ba trăm năm sau theo chân ông/ Tôi cũng bước đi lặng lẽ/ Thưa ông Rútxô, ông là giáo sĩ/ Của đoàn hành hương đi bộ là lũ chúng tôi”.

Trong làng thơ Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua, Chính Hữu không nằm trong danh sách những nhà thơ luôn có mặt ở hàng đầu của cuộc sống. Ông viết ít và có những lúc chỉ thấp thoáng đây đó trong trí nhớ người đọc, song sự thật là chưa khi nào ông bị bẵng quên, bị bứt hẳn khỏi đời sống thi ca đương đại. Ông là mẫu tác giả mà đời sống tinh thần của cá nhân bị chi phối nhiều bởi cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn tìm cho mình một khoảng tự do để câu thơ được viết ra, dù với âm hưởng ngợi ca, nhưng không bao giờ thể hiện một sự gò ép. Ông viết kĩ và đôi khi, chính sự tiết chế câu chữ quá mức dẫu có làm ý tưởng của ông thêm sắc nhọn, ấn tượng thì cũng khiến mạch thơ thiếu đi sự lôi cuốn, dạt dào… Thơ ông có phong thái riêng, khó trộn lẫn nhưng chưa thật phong phú. Như người bộ hành lặng lẽ, ông luôn tìm cho mình một khoảng lùi để tận hưởng thú vui riêng chứ không a dua, “nhập cuộc” theo phong trào. Bởi thế, mặc dù được bạn nghề đánh giá cao về bản lĩnh và bút pháp, nhưng với đông đảo bạn đọc, đã có thời điểm, thái độ của họ đối với ông là… “kính nhi viễn chi”…

PHẠM KHẢI/ VNQĐ

Bình luận Facebook