Cuộc đời bi thương và 3 bức thư dưới gối của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

Mẹ mất khi còn bé thơ, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như luôn lẩn quất những nỗi buồn. Ông sớm ra đi vì bệnh tật. Mãi gần nửa thế kỷ sau ngày mất, người thân mới đưa được ông về nằm trong khu mộ của gia tộc.

– Mẹ mất khi còn bé thơ, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như luôn lẩn quất những nỗi buồn. Ông sớm ra đi vì bệnh tật. Mãi gần nửa thế kỷ sau ngày mất, người thân mới đưa được ông về nằm trong khu mộ của gia tộc.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) được người đời yêu mến qua những bài thơ “Chùa Hương”, “Sơn tinh Thủy tinh”… Nhưng ít người biết, đằng sau những vần thơ để đời đó, tác giả lại có một cuộc đời luôn bị ám ảnh bởi những nỗi buồn vu vơ.

‘Quả ngọt’ từ mối tình học giả – giai nhân

Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh với người vợ thứ hai, Vi Thị Lựu. Bà Lựu là cô gái xinh đẹp, con gái của một thương gia có tiếng ở Lạng Sơn.

Theo đó, năm 1913, để có nguồn tài chính phục vụ cho nghề xuất bản mới mẻ, học giả Nguyễn Văn Vĩnh kinh doanh khách sạn ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Trong thời gian này, bà Lựu mỗi khi về Hà thành, thường ở khách sạn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ. Từ đó, họ quen biết và phải lòng nhau.

Ông Nguyễn Lân Bình (cháu gọi Nguyễn Nhược Pháp là bác) kể: “Cái tên Nhược Pháp mang nhiều ý nghĩa.

Thời đó, nhờ việc đọc nhiều, hiểu nhiều về văn hóa Pháp, ông nội tôi tin rằng người Pháp sẽ thực tâm giúp người Việt thoát cảnh tăm tối với chủ thuyết “khai hóa”, nhưng sau khi ông nhận ra những chính sách bất công của chính quyền thực dân trái ngược hoàn toàn với truyền thống của cuộc cách mạng 1789 (Công xã Paris), nên ông tôi đã rất thất vọng.

Năm 1914, ông có thêm con trai với người đàn bà Lạng Sơn ấy, vốn đang mang tâm lý thất vọng với người Pháp, ông đặt tên cho con là Nhược Pháp – Nước Pháp suy yếu”.

Sinh ra trong gia đình khá đầy đủ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp lại sớm gặp thiệt thòi về tình cảm.

Năm 1916, khi biết tin học giả Vĩnh được một người phụ nữ khác để ý, bà Lựu đã giận dỗi. Trong cơn ghen mù quáng, bà đã tự tử bằng súng lục, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.


Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Mẹ mất, cậu bé 2 tuổi Nhược Pháp được người vợ cả của ông Vĩnh, bà Đinh Thị Tính, đưa về phố Mã Mây, nơi ở của gia đình ông Vĩnh, để nuôi dạy. Dù là con riêng của chồng nhưng bà Tính vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu Nhược Pháp không khác gì con đẻ.

Ông Nguyễn Lân Bình kể: “Bà nội tôi đặc biệt thương bác Pháp lắm. Đến độ, khi nhà thơ không may qua đời, bà đã đau đớn nhiều ngày không ăn uống. Những năm cuối đời, bà còn dặn các con, các cháu: “Mẹ chỉ muốn, khi nào chết, cho mẹ nằm cạnh thằng Pháp! “.

“Xuống suối vàng, cuộc đời Pháp sẽ sung sướng hơn”

Vốn thông minh, được mẹ cả tạo điều kiện, con đường học vấn của Nguyễn Nhược Pháp rất sáng lạng. Năm 20 tuổi, ông đỗ tú tài phần nhất, rồi đỗ tú tài phần hai, vào đại học Luật.

Không chỉ mẹ cả, các anh, em trong gia đình cũng dành cho ông nhiều tình cảm đặc biệt.

Thời xưa, xã hội coi những người con vợ bé, chỉ là con thêm vợ nhặt, dù nhiều tuổi vẫn chỉ là bậc em. Nhưng gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh không hành xử theo lối ấy. Các con trong nhà học giả Vĩnh đều gọi Nhược Pháp là “anh Pháp”, trìu mến và tôn kính.

Trong ký ức của gia tộc họ Nguyễn, Nhược Pháp là người nhỏ bé, nói năng nhỏ nhẹ và hơi nhút nhát. Tuy vậy ông luôn mỉm cười và tỏ ra lịch thiệp với tất cả mọi người.

Ông dạy các em nhiều trò chơi, soạn kịch cho các em biểu diễn, thành lập tờ báo gia đình, đặt ra các nhiều nội quy như: không được nói bậy, trước khi ăn phải rửa tay…, cho các em thực hiện. Anh em thường quấn quýt Nhược Pháp và lúc nào cũng: “Anh Pháp bảo thế này, Anh Pháp dặn thế kia….”.

Là người vui vẻ, hay cười, tuy nhiên, thơ ca của ông lại phảng phất nét buồn man mác. Nhà văn Vũ Bằng từng lý giải: “Nguyễn Nhược Pháp có biết hết cả câu chuyện thảm khốc của mẹ không? Không ai biết hết.

Một người bạn của tôi thuật rằng, Pháp là một thanh niên có học và thông minh chắc chắn sẽ biết câu chuyện đó, nhưng không than thở cùng ai, chỉ giữ ở trong lòng. Bằng chứng là vụ sau đây.

Nhà cụ Vĩnh đông con, thường dọn hai ba bàn để cho con cái ăn riêng. Vì lý do ấy, thiếu mâm, một chị người làm, không hiểu vì vụng dại hay cố tình, lấy cái khung ảnh của bà thân sinh ra Pháp làm mâm cơm.

Pháp trông thấy, đứng dậy, lấy cớ là khó chịu trong người, không ăn và cầm sách vào phòng riêng, để học – thực ra là để khóc mà không cho ai biết”.

Từ sau khi chị gái là Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân rồi cha, học giả Nguyễn Văn Vĩnh mất (1936)… Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao.

Ngày 19.11.1938, ông trút hơi thở cuối cùng vào một sáng mùa thu tại Bệnh viện Đồn Thủy (BV Quân y 108 ngày nay), khi mới sang tuổi 24.

Về sự ra đi này, Phạm Huy Thái từng viết trên “Tiểu Thuyết Thứ Năm” (1938): “Hà Nội đã mất một tài hoa. Văn chương đã mất một đứa con”.

4 giờ chiều chủ nhật 20.11.1938, giờ và ngày chua xót cho lịch sử văn học của chúng ta, gia quyến anh Nguyễn Nhược Pháp cùng một số đông bạn học và tất cả các nhà văn nhà thơ có hay không được quen anh, đã theo xe tang anh trong một bầu không khí yên lặng, thương tâm và cảm động vô cùng”.

Trước khi mất, Nguyễn Nhược Pháp để lại 3 bức thư dưới gối giường bệnh. Bức thứ nhất, ông viết bằng tiếng Pháp cảm ơn các bác sỹ và hộ lý.

Bức thứ hai, ông dành để vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt mẹ già cùng các anh chị lớn và ôm hôn các em. Trong thư, Nguyễn Nhược Pháp đã kể lại những nỗi đau đớn khi lâm bệnh và nói rằng: mình chẳng có tội tình gì trên cõi đời này. Nguyễn Nhược Pháp còn an ủi mọi người thân: “Xuống suối vàng, cuộc đời Pháp sẽ sung sướng hơn”.

Bức thư thứ ba, nhà thơ viết gửi riêng cho anh trai là Nguyễn Giang (1904 -1969) để góp ý với anh trong việc chăm sóc mẹ già và quan tâm đến các em của mình nhiều hơn.

Nhưng cuộc đời của chàng trai trẻ tài hoa ấy sau khi kết thúc cũng đầy đau thương. Ban đầu, thi hài nhà thơ được mai táng ở nghĩa trang ở Quỳnh Lôi, Mai Động, Hà Nội.

Nhưng rồi do những biến động của lịch sử, ngôi mộ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã bị thất lạc.

Sau 47 năm, năm 2012, gia tộc họ Nguyễn mới tìm lại được mộ của nhà thơ và đưa ông về nằm cạnh người mẹ cả để thực hiện đúng lời dặn của bà trước khi lâm chung: “…Nhớ cho mẹ nằm cạnh thằng Pháp!”.

Cuộc đời ngắn ngủi đầy bi kịch của ông đã được đúc kết trong những câu thơ khóc Nguyễn Nhược Pháp của người bạn thân, thi sĩ Nguyễn Bính (1918 – 1966):

“Buồn xao xuyến quá, sương mù

Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn

Ai đem bứt hết lá vàng

Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời…”.

Không chỉ có 2 tác phẩm thơ nổi tiếng là Chùa Hương, Sơn Tinh Thủy Tinh…Trong cuộc đời ngắn ngủi đầy tài hoa của mình, Nguyễn Nhược Pháp còn để lại 10 bài phê bình văn học viết bằng tiếng Pháp, 10 vở kịch đã được báo chí đương thời đăng tải, và gần chục truyện ngắn cùng với một số bài thơ khác.

Hiện, ông Nguyễn Lân Bình đang biên tập và bố cục lại các tác phẩm của Nguyễn Nhược Pháp để chuẩn bị cho ra đời cuốn sách với tựa đề: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”.

NGỌC TRANG-DIỆU BÌNH/VNN

Bình luận Facebook