Tình bạn đặc biệt giữa hai nhà thơ nổi tiếng
Những lần trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, tôi hay nghe ông nhắc đến một cái tên vừa quen vừa lạ: Hoan, với một giọng hết sức trìu mến, khi thì: “Hoan là người rất trực tính”, lúc thì “Hoan đẹp trai, tâm hồn thơ mộng”, khi lại “Hoan có tấm lòng cao thượng và hào hiệp” v.v… và v.v… Không phải bạn thân của nhau từ những ngày đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, không thể nói về nhau một cách hồn nhiên, quý yêu như thế khi đã ở cái tuổi chín mươi như ông Lãm.
Đúng vậy. Theo nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, thì tuy hai người quê khác nhau, nhà thơ Chế Lan Viên, người mà ông Lãm thường gọi thân tình bằng cái tên cha mẹ đặt cho là Hoan (Phan Ngọc Hoan) quê gốc Quảng Trị vào ở Bình Định; còn nhà thơ Nguyễn Viết Lãm quê Quảng Ngãi. Nhưng từ năm 1935 đến 1939, hai người đã cùng học với nhau ở Trường Quốc học Quy Nhơn, một trường danh tiếng ở Nam Trung Bộ hồi bấy giờ. Nguyễn Viết Lãm lên học năm thứ hai thì Phan Ngọc Hoan vào học năm thứ nhất, và có lẽ duyên số gì chăng, mới gặp nhau hai người đã thân nhau ngay. Thêm nữa, hai người lại có chung một thầy giáo dạy văn xuất thân từ nho học, sau chuyển sang Tây học.
Vì cả hai người ngay từ bấy giờ đều tỏ ra có năng khiếu, nên được thầy giáo rất quan tâm và tạo điều kiện cho hai trò kết thân nhau để cùng nhau trau dồi văn chương. Những ngày hai người kết thân trên ghế Trường Quốc học Quy Nhơn, Chế Lan Viên mới 17 tuổi, tập thơ đầu tay “Điêu tàn” được xuất bản; một cuộc họp mặt đầm ấm của bạn thơ chúc mừng “Điêu tàn” ra mắt bạn đọc được tổ chức ở nhà Hàn Mặc Tử. Ở tập thơ này ban đầu tác giả của nó định để tên Chế Bồng Hoan, có lẽ vì tác giả say mê văn hóa Chăm nên muốn lấy tên đệm Chế Bồng, còn Hoan là tên cha mẹ đặt; nhưng Nguyễn Viết Lãm đề nghị nên để Chế Lan Viên, vì tên gọi này đã được bạn đọc quen biết từ khi tác giả viết cho báo Tin văn của Thái Phỉ.
Rồi Nguyễn Viết Lãm ra trường, về dạy học ở quê Quảng Ngãi năm trước, năm sau Chế Lan Viên cũng ra trường, về dạy ở Trường tư thục Chấn Thanh (Đà Nẵng). Mùa đông giá rét năm 1944, không biết Chế Lan Viên bằng cách nào mà mãi tối khuya vẫn tìm được nhà Nguyễn Viết Lãm ở thành cổ Quảng Ngãi. Gặp nhau, hai người mừng vui khôn xiết.
Nghe Chế Lan Viên kể từ ngày xa nhau, vợ chồng ông đã phải mấy lần dọn nhà, thuê nhà ở những chỗ khá tồi tàn, Nguyễn Viết Lãm càng hiểu thêm cuộc sống vất vả của vợ chồng bạn. Mà thực ra họ cũng đã vất vả từ khi mới yêu nhau. Khi Chế Lan Viên về dạy học ở Chấn Thanh, có cô học trò tên là Giáo, con một nhà giàu ở Đà Nẵng, tính tình sôi nổi, lại rất yêu văn. Thầy giáo Hoan lại giảng văn rất hay, nhất là bình thơ thì thật lôi cuốn, hấp dẫn. Thế rồi cô trò yêu văn đã yêu luôn cả thầy. Khi gia đình Giáo biết và ra sức ngăn cản, thì Chế Lan Viên quyết định rời Trường tư thục Chấn Thanh. Giáo cũng trốn nhà theo người mình yêu. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của hai người bạn là nhà thơ Quách Tấn, Nguyễn Đình, Chế Lan Viên và người bạn đời tương lai đã lên xe lửa vào Nha Trang. Gia đình Giáo biết tin cho xe tức tốc chạy đón đường, định nếu gặp thì bắt Giáo đưa trở lại Đà Nẵng. Nhưng khi tàu đỗ ở ga Nha Trang thì tìm khắp không thấy hai người đâu. Họ không thể ngờ rằng, hai người bạn Quách Tấn, Nguyễn Đình đã đón Hoan và Giáo xuống trước một ga. Chuyến đi có vẻ ly kỳ, nhưng khi cha mẹ Giáo biết con gái yêu một nhà thơ nổi tiếng thì cũng yên tâm về con mình.
Từ lần gặp nhau ấy, cho mãi đến sau ngày Cách mạng thành công, rồi kháng chiến chín năm, Chế Lan Viên công tác ở Liên khu IV, còn Nguyễn Viết Lãm ở Liên khu V. Sau Hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Viết Lãm tập kết ra Bắc, lại được về ở cùng khu nhà tập thể với vợ chồng Chế Lan Viên trong trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), hai người có dịp gắn bó mật thiết với nhau hơn.
Một lần, Hội Nhà văn cử một đoàn gồm hai nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Viết Lãm đi công tác ở Hunggari, Anbani. Trong chuyến đi dài ngày ấy, Chế Lan Viên có dịp tâm sự với bạn về người vợ thứ hai của mình – nhà văn Vũ Thị Thường, người đã chung vai với ông chăm sóc những đứa con với người vợ trước như con đẻ. Trong tiết giá lạnh của Mátxcơva, quý bạn, tin yêu bạn, Chế Lan Viên đã cho Nguyễn Viết Lãm xem bức thư của Vũ Thị Thường gửi Chế Lan Viên ngày hai người mới yêu nhau, mà cho đến bây giờ Nguyễn Viết Lãm vẫn còn nhớ một câu chí tình chí nghĩa: “Chính vì những khó khăn ấy (về gia đình, con cái của Chế Lan Viên) và vì để chăm sóc sức khỏe của anh, em mới yêu anh”. Không phải bạn thân tình “con chấy cắn đôi”, không dễ cho nhau xem một bức thư như thế.
Đối với hai nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Viết Lãm, dường như họ không có gì phải giấu nhau, từ việc chung đến việc riêng. Sau ngày miền Nam giải phóng, Chế Lan Viên vào Bình Định, đến Quy Nhơn, thấy người ta gọi con dốc trên đường đến mộ Hàn Mặc Tử là dốc Mộng Cầm, liền tỏ sự bất bình và viết thư ngay cho Nguyễn Viết Lãm, phàn nàn: “Đáng lẽ phải gọi là dốc Mai Đình mới phải”. Vì Chế Lan Viên biết Nguyễn Viết Lãm có tới bốn năm ở gần Hàn Mặc Tử, trước khi Hàn Mặc Tử qua đời (1940), nên hiểu rõ giữa Mộng Cầm và Mai Đình, ai là người đáng được đặt tên cho con dốc ấy. Mộng Cầm là bạn học với Nguyễn Viết Lãm, hơn Lãm bốn tuổi, cùng quê Quảng Ngãi, ban đầu cũng yêu Hàn Mặc Tử, nhưng khi biết Hàn Mặc Tử bị bệnh hiểm nghèo thì lại xa lánh. Còn Mai Đình quê Thanh Hóa, bấy giờ đang ở với cha trong Phan Thiết.
Yêu thơ Hàn Mặc Tử đến mức từ Phan Thiết, Mai Đình ra Quy Nhơn nhờ người quen là một bạn văn của Hàn Mặc Tử đưa đến giới thiệu với nhà thơ. Bấy giờ Hàn Mặc Tử đã bạo bệnh, nhưng trước tấm lòng tha thiết gần như một sự hy sinh của Mai Đình, Hàn Mặc Tử đã đáp lại mối tình đắm say một cách kỳ lạ ấy. Tiếc rằng thời gian gần gũi chưa lâu thì Mai Đình phải từ giã người mình yêu, vì quan hệ gia đình không thuận lợi. Như thế đủ thấy, việc Chế Lan Viên viết thư phàn nàn với Nguyễn Viết Lãm về cái tên con dốc dẫn đến mộ Hàn Mặc Tử là có cái lý cái tình của nhà thơ.
Có một chuyện nhà thơ Nguyễn Viết Lãm hay nhắc đến mỗi khi nói về tình bạn giữa ông và nhà thơ Chế Lan Viên. Ấy là vào một ngày giữa tháng 6 năm 1989, ông đang ở nhà, tự nhiên thấy ruột nóng như lửa và nhớ Chế Lan Viên vô cùng. Ông đóng cửa phòng, ngồi viết bài thơ “Nguyện cầu” mong cho bạn qua cơn hiểm nghèo (bấy giờ Chế Lan Viên đã được xác định ung thư phổi):
Dòng sông Thi Nại thuở hoa niên
Ngọn cỏ sân trường, hoàng lan trước cổng
Ôi cái tuổi của tình yêu và thơ mộng
Mớ tóc xoà trên trán Chế Lan Viên
… Bạn mắc bệnh hiểm nghèo nhà lại ngặt
Lòng mình đau giống nỗi bạn đau xưa
Mình sẽ cầu Khúc tinh như ngày nào anh Tử nhắc
Cầu nguyện cho Hoan trường thọ như thơ.
Ở phía đầu kia đất nước, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Chế Lan Viên dù yếu mệt vẫn gắng gượng viết cho bạn bức thư dài tám trang. Nhưng bức thư chưa kịp gửi thì ông viên tịch. Đến Đại hội Nhà văn Việt Nam năm ấy, người bạn đời, người đồng nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Vũ Thị Thường mới mang bức thư ra đưa tận tay cho nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Quả là tình bạn của hai người đã lặn vào tâm linh, thần giao cách cảm
Nguồn Cao Năm