Một trong những bài thơ tình hay nhất thời kỳ chống Pháp
Trong bài thơ “Nhớ”, Nguyễn Đình Thi đã không miêu tả, nhấm nháp tâm trạng của người đang đơn độc tương tư mà biểu hiện nỗi nhớ của một người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Nhớ
Nguyễn Đình Thi
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi được tác giả sáng tác trong kháng chiến chống Pháp. Có văn bản đề thêm: “Tặng M”. Không biết có phải tặng riêng Mađơlen Rípphô không? Bởi giữa ông và nữ sĩ này từng có kỷ niệm rất đẹp mà bè bạn văn nghệ cùng lứa đều đã hiểu và rất đỗi trân trọng.
Chi tiết riêng tư ấy không quan trọng. Chỉ biết đây là một trong những bài thơ tình hay nhất trong thời chống Pháp và cũng là một trong những bài thơ tình hay nhất trong kho tàng hàng vạn bài thơ Việt Nam hiện đại. Nói đến Nguyễn Đình Thi nói với tư cách nhà thơ, không thể không nói đến “Nhớ”.
Có thể bạn trẻ hôm nay (ra đời sau ngày đất nước được thống nhất 1975) không biết và không thấy được cái hay của bài thơ “Nhớ”. Điều đó dễ hiểu. Nhưng lớp tuổi trên 60, nhất là những ai đã từng cầm súng trong hàng quân bộ đội cụ Hồ, lại đã tham gia chiến đấu chống Pháp thì không thể không biết, không yêu thích bài thơ này.
Nhà thơ diễn tả nỗi nhớ – một tâm trạng mà bất cứ người nào đang yêu cũng gặp phải. Yêu, nhớ và thương là những thuộc tính cố hữu của tình yêu. Nhưng Nguyễn Đình Thi đã không miêu tả, nhấm nháp tâm trạng của người đang đơn độc tương tư mà biểu hiện nỗi nhớ của một người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Ở những khoảnh khắc yên tĩnh “giữa đèo mây” hoặc đang hành quân rồi dừng chân “dưới hàng cây”, hình ảnh người thương của chàng chiến sĩ ùa về choán ngợp tâm hồn.
Nhớ tức là buồn, bởi khi ấy người ta phải sống trong xa cách, thiếu vắng người bạn đời. Nhưng người sống thiếu lý tưởng chỉ biết hôm nay mà không ý thức được ngày mai, có khi yêu bản thân mình hơn “đối tác”, chỉ biết tận hưởng tình yêu mà không biết vun đắp, nuôi dưỡng sẽ chỉ khắc khoải trong nỗi cô đơn. Còn trong bài thơ, người chiến sĩ trong tâm trạng nhớ lại thấy ngôi sao đang lấp lánh kia như đồng cảm với mình để “soi sáng đường” cho mình, ngọn lửa hồng đêm lạnh kia cũng sẻ chia cùng mình để “sưởi ấm lòng” mình. Chàng thấy mình như ngôi sao, như ngọn lửa.
Càng nhớ, ngôi sao càng lấp lánh, ngọn lửa càng hồng giữa đêm lạnh. Và lấp lánh để “soi sáng đường”, “hồng đêm lạnh” để “sưởi ấm”. Nhớ, buồn mà vô cùng lạc quan, tràn ngập niềm tin chứ không ủy mị, than vãn, như những kẻ đang tương tư nhau vẫn chưa được biểu hiện trong thơ lãng mạn trước đó. Nhưng niềm lạc quan của chàng chiến sĩ ở đây đâu phải là tếu theo kiểu “thây rơi như cánh hoa đào” mà có cơ sở, bởi: “Anh yêu em như anh yêu đất nước”. Tình yêu ấy càng sâu sắc khi anh thấy người mình yêu – ở đây được ví như đất nước – “vất vả đau thương”, nhưng “tươi thắm vô ngần”.
Nỗi nhớ được diễn tả trong bài thơ là nỗi nhớ của một tình yêu cao đẹp – tình yêu của những người có lý tưởng, biết đặt mình vào bối cảnh chung của xã hội, biết gắn tình cảm riêng tư vào tình cảm chung của cộng đồng. Nhưng không vì thế mà bài thơ mất đi vẻ mềm mại tự nhiên. Đọc bài thơ này, không ai nghĩ nhà thơ tư duy chính trị mà chỉ thấy ông giãi bày tâm trạng rất thật, rất sinh động của một người đang yêu – một tình yêu cháy bỏng, tha thiết.
Ai sống và yêu những năm tháng nước sôi lửa bỏng ấy mà có lương tri, ý thức, có lòng tự trọng, hẳn không thể tách khỏi cộng đồng. Mà đã không tách rời thì hiển nhiên phải cùng “chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời”. Rất dễ hiểu bởi khi ấy tuổi trẻ mà không cầm súng chiến đấu thì giặc ngoại xâm sẽ cướp hết đất, trời, còn đâu chỗ để mà tồn tại, mà yêu. Và chỉ có biết cùng chiến đấu, tuổi trẻ khi ấy mới có thể “kiêu hãnh làm người” để mà yêu nhau.
Cũng thật thú vị, Nguyễn Đình Thi là người duy nhất đã đưa vào bài thơ tình của mình một tâm trạng phổ biến của bất cứ ai đang thực sự yêu như lời nói nôm na hằng ngày mà trở nên rất thơ, trong một bài thơ có vẻ như lý trí, khiến nó trở thành dung dị và gần gũi với mọi người:
“Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn”
“Nhớ” xứng đáng là một dấu son trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Thi cũng như trong kho tàng thơ ca cách mạng của chúng ta
Nguồn:Nguyễn Đình San/CAND