Xuân Quỳnh – Nhà thơ của những điều dung dị đời thường nhất

Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam, nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Bà được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà.

Xuân Quỳnh trở thành nhà thơ từ diễn viên múa

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Xuất phát điểm là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964). Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu của nửa cuối thế kỷ 20.

Tháng 2/1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).

Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Bà là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất, Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ngày 30/3/2017, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định số 602 chính thức truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cố nhà thơ Xuân Quỳnh với hai tập thơ là Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.

Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh… Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (4/1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.

Xuân Quỳnh làm thơ từ những điều dung dị

Chủ đề thơ Xuân Quỳnh thường là những vấn đề nội tâm: kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình… Hiện thực xã hội, sự kiện đời sống hiện diện như một bối cảnh cho tâm trạng. Do vậy thơ Xuân Quỳnh hướng nội, rất tâm trạng cá nhân nhưng không là thứ tháp ngà xa rời đời sống.

Thơ của bà là đời sống đích thực, đời sống của chị trong những năm đất nước còn chia cắt, còn chiến tranh, còn nghèo, còn gian khổ, là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ, người phụ nữ làm thơ thường ngược xuôi trên mọi ngả đường bom đạn.

Xuân Quỳnh không làm ra thơ, không chế tạo câu chữ mà chị viết như kể lại những gì chị đã sống, đã trải. Nét riêng của Xuân Quỳnh so với thế hệ nhà thơ hiện đại cùng thời chính là ở khía cạnh nội tâm đó. Thơ bà là thơ mang tâm trạng.

Thời ấy nhiều bài thơ thiên về phản ánh sự kiện, cốt để được việc cho đời, còn tâm trạng tác giả thường là tâm trạng chung của xã hội, vui buồn tác giả hoà trong vui buồn chung của công dân. Tâm trạng thơ Xuân Quỳnh là tâm trạng nảy sinh từ đời sống của chính bà, từ hoàn cảnh của riêng bà. Viết trên đường 20 là bài thơ chiến tranh nhưng lại mang nỗi lòng trăn trở xao xác của một người đang yêu.

Có bài bề bộn chi tiết hiện thực như một ký sự. Những năm ấy, đúng là ký sự về đời sống Hà Nội những năm chống Mỹ, nhưng nó không thành ký mà vẫn là thơ do nỗi lòng riêng của tác giả đã tạo nên một mạch trữ tình xâu chuỗi các chi tiết rời rạc của ngày thường lại, tổ chức nó thành kết cấu của bài thơ.

Xuân Quỳnh có tài toả lên các chi tiết ngẫu nhiên quan sát được từ đời sống một từ trường cảm xúc của nội tâm mình, biến các chi tiết đời trở nên thơ, có sức gợi, sức ám ảnh kỳ lạ (Trời trở rét, Không đề, Gió Lào cát trắng, Mùa hoa doi, Hoa cỏ may…)

Thơ Xuân Quỳnh giàu tình cảm, tình cảm sâu và tinh tế nhưng lẩn khuất phía sau tình cảm ấy lại là tư tưởng có tính khái quát, triết lý (Cơn mưa không phải của mình, Đồi đá ong và cây bạch đàn, Chuyện cổ tích về loài người, Những người mẹ không có lỗi…)

Đấy là những triết lý nảy sinh từ đời sống, nó có tính thực tiễn, giúp ích thật sự cho người đọc nhận thức và xử lý việc đời, không phải thứ triết lý tư biện, viễn vọng mà chẳng dùng được vào việc gì.

Đề tài, đối với Xuân Quỳnh, không phải là quan trọng. Điều bà quan tâm là chủ đề. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng có tứ, bà dùng tứ để bộc lộ chủ đề. Đây là một đóng góp đáng quý của Xuân Quỳnh vì giai đoạn ấy thơ chúng ta rất lỏng về tứ.

Xuân Quỳnh có năng khiếu quan sát. Bà quan sát bằng tất cả giác quan và phong phú trong liên tưởng. Chi tiết vốn quen thuộc bỗng trở nên mới lạ, tạo ý vị cho câu thơ. Một màu cỏ mùa xuân: “Cỏ bờ đê rất lạ/ Xanh như là chiêm bao”. Tiếng mưa trên lá cọ: “Mưa trên cọ bàng hoàng rồi vụt tạnh”.

Cũng có thể vì có tài quan sát mà ở một số bài Xuân Quỳnh ham tả, ham kể. Kể có duyên nhưng vẫn làm loãng chất thơ. Những bài thơ dài của Xuân Quỳnh thường dài vì rậm chi tiết.

sưu tầm

Bình luận Facebook