Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những giai thoại

Ba ca khúc “Thơ tình cuối mùa thu”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” và “Bóng cây Kơ-nia” ẩn chứa những giai thoại khó quên với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Sở hữu nhiều nhạc phẩm đi cùng năm tháng, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được xem là cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Được biết, một nửa trong số hơn 100 tác phẩm của ông là nhạc phổ thơ. Đặc biệt, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” và “Bóng cây Kơ-nia” là ba bài nhạc phổ thơ ẩn chứa những giai thoại khó quên với cố nhạc sĩ này.


Kỷ niệm mối tình đầu

Với “Thơ tình cuối mùa thu”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết khi nghĩ về mối tình đầu của mình. Theo chia sẻ của cố nhạc sĩ, người tình đầu tiên của ông là cô bé hàng xóm Mộng Tân khi tác giả còn sống ở Đà Nẵng. Cũng giống như nhiều người khác, kỷ niệm về mối tình đầu với nhạc sĩ thật khó phai.

Vào những buổi tối mùa thu gió se lạnh, Mộng Tân trốn nhà để hẹn hò với nhạc sĩ. Cả hai dạo bước bên dòng sông Hàn và từng hẹn ước nhiều điều. Tuy nhiên, mối tình đầu của nhạc sĩ đã dang dở khi gia đình của ông và Mộng Tân buộc phải di tản đến hai nơi khác nhau vì chiến tranh. Sau này, họ gặp nhau khi cả hai đã yên bề gia thất.

Nhạc sĩ từng chia sẻ, ông đã rất nhớ Mộng Tân ngay khi phải xa nàng. Tuy nhiên, phải đến khi đọc những ý thơ của Xuân Quỳnh, cảm xúc đó mới hóa thành những nốt nhạc. Và mối tình đầu cùng những kỷ niệm hẹn hò bên bờ sông Hàn thơ mộng đã trở thành nguồn cảm hứng để Phan Huỳnh Điểu cho ra đời bài nhạc phổ thơ nổi tiếng “Thơ tình cuối mùa thu”.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao” ra đời trên giường bệnh

Với “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, Phan Huỳnh Điểu lại chia sẻ một kỷ niệm khó quên khác. Cụ thể, sau khi bị thương ở chiến trường vào năm 1971, nhạc sĩ được điều trị tại Bệnh viện Đông Y ở Hà Nội. Nhờ được đội ngũ y bác sĩ tận tâm chăm sóc, ông nhanh chóng hồi phục sức khỏe.


Khi nằm trên giường bệnh, nhạc sĩ bắt gặp những lời thơ về tình yêu của Dương Hương Ly. Ông nhanh chóng cho ra đời nhạc phẩm với giai điệu vui tươi “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Phổ nhạc “Bóng cây Kơ nia” nhờ ăn ngủ cùng Tây Nguyên

Trong khi đó, với “Bóng cây Kơ nia”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng phổ nhạc ngay khi đọc bài thơ của Ngọc Anh năm 1959. Tuy nhiên, ông tạm gác lại nhạc phẩm này vì chưa cảm nhận được tinh thần Tây Nguyên trong những nốt nhạc của mình.

Phải đến năm 1971, Phan Huỳnh Điểu mới hoàn thành nhạc phẩm này khi ông cảm nhận rõ ràng về cuộc sống và con người Tây Nguyên sau sáu năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên từ năm 1964-1970.

sưu tầm

Bình luận Facebook