Lạ lùng Phùng Quán
Cố nhà thơ Phùng Quán được Hội đồng giải thưởng Quốc gia đề xuất tặng giải thưởng Nhà nước cho 3 tác phẩm lớn của đời anh: “Vượt Côn Đảo”, (tiểu thuyết – 1955); “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, (trường ca – 1955), “Tuổi thơ dữ dội”, (tiểu thuyết -1989). Đây là sự tôn vinh tài năng, nhân cách và thành tựu văn chương của anh…
1984, Phùng Quán về Huế sau gần 40 năm xa quê. Anh để râu dài như ông lão trong chuyện cổ tích, đội chiếc mũ cói xứ Nghệ, khoác chiếc bị cói, cưỡi chiếc đạp gọi là “xe trâu” Liên Xô cao lêu nghêu, mặc chiếc áo mán khuy bấm, quần bò sờn cũ. Anh đi đôi dép tự chế bằng lốp ôtô, đế bố dày tới mười phân. Tôi xỏ đi thử thấy nặng không lê được chân. Thế mà anh vẫn đi bình thường trong bao nhiêu năm ròng! Hỏi anh, anh vuốt râu cười, mắt chớp chớp hiền từ: “Dép nặng thế mới đứng vững trên mặt đất”.
Anh một mình một mốt, không lẫn vào đâu được. Trông có vẻ lập dị, ngang tàng, nhưng anh lại hiền khô. Ở nhà tôi, anh đi chợ Bến Ngự mua cá chép, dưa chua về, rồi vào bếp thổi cơm, nhặt rau, mổ cá, chẻ củi. Thời gian này anh bị một thiếu phụ đài các Huế hớp hồn, nên “hồi sinh’’ với thơ. Một loạt bài thơ gan ruột thấm đẫm tình đời, tình người, tình quê “bùng cháy” như: “Trái thơ”, “Trăng Hoàng Cung”, “Tôi khóc”, “Mưa Huế”, “Chán chộ”, “Quả bí xanh” v.v… Anh có chép lại rất nắn nót một bản bằng bút học trò mực tím trên tập giấy kẻ dòng tặng tôi với đề từ “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng”. Năm 1993, in thành sách với nhan đề “Trăng Hoàng Cung”.
Tặng sinh nhật người yêu bằng… trái bí xanh
Ngay cả trong tình yêu, Phùng Quán cũng khác người. Sinh nhật “nàng thơ” không phải tặng hoa, mà anh tặng… quả bí xanh! Ngày sinh nhật nàng, anh rủ tôi đạp xe xuống Thủy Dương quê anh xa 7 cây số, thỉnh một trái bí to, da căng mọng màu ngọc bích. Rồi anh cặm cụi đề thơ lên da bí. Chúng tôi lấy bao tải, quần áo cũ bọc trái bí cẩn thận, xong, anh ôm bí ngồi xích lô lên Huế.
Trưa hôm ấy, hàng trăm người ngạc nhiên trước món quà tặng quá bất ngờ của thi sĩ Phùng Quán: Đó là một quả bí xanh lớn có bài thơ đề trên da bí mà anh gọi là khối thiên thần màu ngọc bích! Anh nâng tặng vật nặng trĩu trên tay, nói trong tiếng thở gấp: “Tặng vật tôi mang từ quê nội tặng sinh nhật em đây!”. Nàng thơ bước vội sau tấm màn gió, cầm ra chiếc gối còn dính vài sợi tóc của nàng để làm gối cho anh đặt “trái bí thơ”. “Trên da bí/ Màu men ngọc lý/ Tôi tạc câu thơ/ Buồn như lửa/ Hỏa táng trái tim…”.
Quà sinh nhật tặng người tình như thế tôi thưa thấy bao giờ. Nó vừa ngộ nghĩnh, xa xót, vừa bản chất như chính sự hồn nhiên chứa chan của cuộc sống!
Đi sáu tháng chưa tới Côn Đảo
Tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” Phùng Quán viết sau một chuyến đi gặp gỡ tiếp nhận tù nhân trao trả tại Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1954, chứ anh chưa ra Côn Đảo bao giờ. Tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1956 và trở thành quyển sách “gối đầu giường” của bộ đội ta lúc bấy giờ. Năm đó, Ban Thống nhất Trung ương đã mua 3.000 cuốn Vượt Côn Đảo để để gửi tặng đồng bào miền Nam. Phùng Quán được mời lên ký tặng sách. Vì những lý do đó, năm 1987, anh Lê Quang Vịnh, người Huế (nhân vật nổi tiếng trong đấu tranh chống Mỹ – Diệm, có câu hát “Lê Quang Vịnh người con quang vinh…), lúc đó là Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, đã gửi thư mời tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” ra thăm đảo. Phùng Quán sướng run người, vì đây là dịp để kiểm chứng lại những gì mình viết.
Anh lặng lẽ bị cói, áo mán quần bò, xe cuốc Liên Xô… lên tàu hỏa đi “Côn Đảo”. Anh vào Vinh, rồi Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang… Anh định đi dần từng chặng đến TP HCM sẽ đi tàu thủy ra Côn Đảo. Nhưng tính anh thích gặp gỡ, người yêu thơ cả miền Trung dằng dặc nghe tên, thuộc thơ anh nhưng lần đầu mới gặp người, nên cứ níu kéo đòi anh đọc thơ hoài. Thế là anh đọc thơ “phục vụ nhân dân” ngày này sang ngày khác. Mỗi nơi anh ở tới một vài tuần, có nơi như Huế anh ở tới hai tháng. Đợt đó ở Đà Nẵng anh có hàng chục cuộc đọc thơ bốc lửa, trong đó những cuộc đọc thơ rất ấn tượng.
Theo hồi ức của nhà báo Trung Dân thì lần ấy ở huyện Điện Bàn đang có cuộc họp Huyện ủy mở rộng. Đúng lúc Hoàng Phủ Ngọc Tường và Phùng Quán về huyện chơi. Thế là cuộc họp dừng lại để nghe Phùng Quán đọc thơ. Phùng Quán đọc thơ về “Anh Nguyễn Văn Trôi – Anh Nguyễn Văn Trỗi”, đọc “Lời mẹ dặn”, “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”… Giọng đọc thơ hùng hồn, thống thiết, cuốn hút và xúc động đến độ làm cả Huyện ủy khóc. Ai cũng nước mắt giàn giụa, gai ốc nổi lên. Một lần anh hẹn với thầy giáo và học sinh một trường cấp 3 cách Đà Nẵng 10 cây số là 8 giờ sáng mai anh sẽ tới trường đọc thơ cho thầy trò nghe. Một cơ quan đã hứa cho xe chở nhà thơ đến trường. Sáng ra, trong lúc thầy trò đã tập trung đông đủ ở hội trường, thì nhà thơ ở Đà Nẵng đợi mãi mà chẳng thấy xe đến đón. Một lúc sau, có điện thoại gọi đến báo là “do trục trặc kỹ thuật” xe không đến được. Thế là máu lính Điện Biên nổi lên, không có tiền gọi xe thồ, anh cứ thế chạy bộ 10 cây số để kịp buổi đọc thơ. Chạy đến sân trường nhà thơ mệt tưởng đứt hơi, mồ hôi mồ kê như tắm. Nhà thơ gắng bước lên bục hội trường, cúi gập người lạy chào mọi người hồi lâu, rồi ngẩng lên, nói: “Tôi đã phải chạy bộ mười cây số tới đây vì thơ. Có thể tôi sẽ ngã gục ở đây, nhưng: Nếu tôi chết/ Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả/ Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!”. Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Thế mà nhà thơ không bị gục ngã trong suốt ba tiếng đồng hồ đọc thơ đến khản giọng trong buổi sáng đó!
Cứ thế, cho đến một ngày, Phùng Quán nhận được tin vợ ốm. Thế là anh vội vã lên tàu về Hà Nội ngay. Tính ra Phùng Quán đã đi hơn 6 tháng trời mà vẫn chưa tới được Côn Đảo.
Chiếc áo định mệnh và lần hành khất ở ga Huế
Giáp tết năm 1994, anh đưa vợ đi chơi Sài Gòn ra, khi tàu ra Huế, anh nói dối vợ xuống mua điếu thuốc, rồi “trốn” ở lại Huế cho tới ngày 22 tết mới lên tàu ra Hà Nội. Ở Sài Gòn ra, anh tặng tôi một be rượu Trung Quốc, mà anh gọi cho oai là “rượu Mao Đài”. Anh luôn mang trong chiếc bị cói truyền thống của mình, một chiếc áo khoác may theo kiểu áo dài thân bằng vải gì không biết, anh nói thứ vải này là thao, đũi gì đó đắt lắm. Chiếc áo vợ chồng nhà thơ Thu Bồn – Lý Bạch Huệ tặng, nhưng tôi thấy cứ giống y chang loại vải may cánh buồm ở làng biển của tôi xưa. Chiếc áo ấy chằng chịt đầy chữ ký của bạn bè văn nghệ, bạn đọc mến mộ anh với đầy đủ thứ màu sắc xanh đỏ tím vàng. Ở cơ quan Tạp chí Sông Hương hôm đó, mọi người chen nhau để được ký vào chiếc áo. Chữ ký của tôi ở cổ áo bên phải. Anh bảo khi chết anh sẽ mặc chiếc áo ấy để sống mãi với hơi ấm bạn bè. Chiếc áo định mệnh ấy gia đình đã mặc cho anh trong giờ phút cuối cùng!
Đêm 22 tết năm đó, trong phòng đợi tàu ga Huế, vợ chồng tôi, các anh Lê Gia Ninh, Vĩnh Cường, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch thức tiễn anh tới một giờ sáng. Anh uống nhiều rượu, sang sảng đọc thơ cho lữ khách nghe. Mọi người rất xúc động. Thơ anh đọc ở đâu cũng làm cho mọi người xúc động vì chất bi hùng thống thiết. Đang đọc thơ anh bỗng ngả mũ đi hành khất. Dáng anh đi từng bước y chang người hành khất ở ga. Hầu như ai cũng xúc động bỏ tiền vào mũ anh. Có cả những du khách nước ngoài. Số tiền kiếm được anh chia luôn cho những ngườì ăn xin ở ga ngay khuya hôm đó! Tôi có ngờ đâu đó là lần anh đọc thơ cuối cùng với Huế để rồi xa Huế mãi mãi.
sưu tầm