Một đời người một rừng cây
“…Chân lý thuộc về mọi người/ Không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Chân lý thuộc về bạn bè tôi/ Những người sống vì mọi người…”. Lời ca này hầu như chúng ta ai cũng thuộc. Nhưng những chân lý tưởng như rất giản dị ấy không phải ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, với những bài ca cách mạng đã chỉ ra một con đường đến với những lời ca ấy thật trong sáng: Đó là hãy đặt trái tim của mình vào giữa nhịp đập của trái tim đất nước! Đó là con đường đúng và cũng là con đường đúng duy nhất không chỉ dành cho các nhạc sĩ, các nghệ sĩ, mà còn dành cho tất cả chúng ta!
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn
Âm nhạc là tâm hồn con người. Nhưng một phần tâm hồn ấy đang bị nhiễu loạn bởi những ca khúc nhạc trẻ ủy mị và ngô nghê. Dường như một số nhạc sĩ trẻ không còn mối tình nào lớn hơn những cảm xúc trai gái riêng tư của mình. Có người than thở rằng, họ cũng khao khát bày tỏ tình yêu bao la với quê hương đất nước trong âm nhạc, nhưng không biết phải làm cách nào để “đồng nhất” được tình yêu riêng tư của mình với tình yêu đất nước. Đó chính là bi kịch của một số nghệ sĩ hiện đại.
Nhưng bi kịch đó không tồn tại đối với những thế hệ nhạc sĩ cách mạng, những người ngay từ đầu đã tìm thấy lý tưởng cho tình yêu âm nhạc của mình. Trong họ không có sự phân chia cảm xúc một cách tách biệt như vậy mà trong tình yêu nồng nhiệt trọn vẹn với quê hương, họ tìm thấy những hạnh phúc riêng tư. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thuộc về tình yêu ấy.
Năm 1966, từ Bình Định, Trần Long Ẩn lên Sài Gòn học Đại học Văn khoa. Đó cũng là thời kỳ các đô thị miền Nam đang ngùn ngụt phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Các nhạc sĩ, sinh viên liên tục sáng tác những bài hát yêu nước, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc ở mọi tầng lớp nhân dân.
Trần Long Ẩn có một chiếc đài nhỏ luôn đeo bên mình. Chiếc đài ấy ông được ông ngoại tặng cho nhân dịp thi đỗ vào đại học. Qua chiếc đài, ông nghe tin tức miền Bắc, nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Gia đình ông có mấy người bác tập kết ở ngoài Bắc. Khi đó ông chăm chỉ nghe đài còn để xem có thấy bác mình nói trên đài không để báo tin cho gia đình. Thế rồi, những bài hát cách mạng phát liên tục trên sóng phát thanh đã ngấm vào tâm hồn chàng trai trẻ, khơi gợi, đòi hỏi tâm hồn ấy niềm kiêu hãnh của dân tộc. Những bài hát cách mạng liên tục mang đến cho chàng trai một hiện thực mới mẻ của miền Bắc, một hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy tươi mới đang tạo sinh những cuộc đời mới. Những bài ca ấy giống như những tiếng reo toàn thắng qua sóng phát thanh không ngừng làm rung động trái tim chàng trai trẻ.
Vốn có năng khiếu âm nhạc, Trần Long Ẩn đã nhanh chóng tham gia phong trào yêu nước của sinh viên miền Nam. Ông cùng các nhạc sĩ như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh… thức thâu đêm để sáng tác các bài hát cho các cuộc biểu tình của sinh viên. Những bài hát đó cần phải dễ nhớ, dễ hát và có sự kêu gọi cao. Khi ấy, những sự làm dáng trong nghệ thuật không có đất sống. Hàng vạn sinh viên, hàng vạn trí thức ấy đang sôi sục căm hờn vì bom đạn của giặc Mỹ. Họ cần một tiếng thét, cần một lời thức tỉnh, cần một giai điệu hùng tráng, cần một “ngọn lửa ngôn từ” đâm thẳng vào trái tim họ, để cho họ có thể bừng tỉnh, hiểu được những giá trị thiêng liêng nhất của dân tộc.
Cùng với một số nhạc sĩ khác, Trần Long Ẩn đã thể hiện không khí sôi sục, thể hiện tiếng gào thét của danh dự giống nòi qua âm nhạc. Có nhiều khi chứng kiến những hiện thực đau đớn trên đường phố do quân Mỹ, ngụy gây ra đối với người dân, đêm xuống, hiện thực ấy lập tức hoá thành lời kêu gọi, thành nỗi căm hờn trong các bài ca mới. Nhạc sĩ thức suốt đêm để sáng tác. Sáng hôm sau, khi bản nhạc còn chưa ráo mực, nó đã được chuyền tay cho sinh viên và nhân ra nhiều bản để có thể hát ngay trên các đường phố, trong các cuộc biểu tình. Chống Mỹ đổ quân vào Việt Nam, sinh viên xuống đường; chống Thiệu – Kỳ “độc diễn”, sinh viên xuống đường; chống bắt lính, sinh viên xuống đường. Phong trào sinh viên sôi sục, tỏ rõ tinh thần yêu nước của người Việt. Hôm sau, sinh viên biểu tình với khẩu ngữ nào thì đêm trước các nhạc sĩ – sinh viên lại thức thâu đêm để sáng tác.
Với Trần Long Ẩn, những bài hát “Người mẹ Bàn cờ”, “Hát trên đường đấu tranh”, “Hành khúc thành phố”, “Hoa lục bình”… đã ra đời trong những đêm cách mạng ấy. Âm nhạc cách mạng xiết chặt học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam thành một khối thống nhất đầy căm hờn. Sài Gòn gọi, Cần Thơ, An Giang, Huế, Đà Nẵng rùng rùng đáp lời. Mỹ, ngụy không có cách nào ngăn nổi những đoàn học sinh, sinh viên kéo về Sài Gòn biểu tình. Niềm kiêu hãnh dân tộc của sinh viên Việt Nam đã làm xúc động cả những sinh viên nước ngoài đang học ở Sài Gòn. Và họ cũng xuống đường tham gia biểu tình. Một lần, tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay, sinh viên Mỹ, Australia, New Zealand… đã cùng sinh viên Việt Nam biểu tình, đốt thẻ trưng binh, đòi Mỹ cút về nước. Lính Mỹ đã huy động trực thăng bắn đạn cay vào đoàn người biểu tình, nhưng tất cả vẫn xiết lại thành một khối. Những bài hát vẫn vang lên lấn át tiếng gầm rú của máy bay.
Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” dần dần lôi kéo được nhiều nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từ Pháp về cũng tham gia. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì ra Huế, tổ chức hát tại đàn Nam Giao cùng sinh viên Huế. Khi ấy, Trần Long Ẩn mới chỉ là một chàng trai ở tuổi đôi mươi. Ở cái tuổi ấy thì dù sống trong hoàn cảnh nào, tiếng gọi tình yêu của tự nhiên cũng làm tâm hồn xao xuyến. Nhưng những bài tình ca của ông viết hồi trẻ cũng tràn đầy tình yêu nước. Ông nói rằng: “Để trở thành một con người hoàn hảo thì cái tôi cá biệt phải hoà hợp với cái tôi cộng đồng. Nếu chỉ có cái tôi cá biệt thôi thì con người trở nên què quặt, không đầy đủ. Đối với ông, tình cảm cá nhân phải được tìm thấy và kết trái trong tình cảm cộng đồng. Cũng vậy, người ta không thể viết một bài hát chung chung về một địa danh nào đó, về một xứ sở nào đó nếu như nơi đó không có những người thân yêu của họ. Người ta không thể tách địa danh ấy ra khỏi sự sống của những người thân yêu! Đấy chính là quê hương, là đất nước, là hình ảnh người mẹ ngời ngời. Ai không xao lòng mỗi khi giai điệu của bài ca “Mừng tuổi mẹ” cất lên. Trần Long Ẩn nói rằng, khi viết bài ca đó, mẹ ông đã già yếu. Câu hát trong suốt nhưng cứ như nấc lên từng lời: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/ mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần/ rồi mùa thu ấy tóc trắng mẹ bay, như gió như mây bay qua đời con…”.
Bài ca về người mẹ xiết mạnh qua trái tim những đứa con xa nhà. Đấy là một điều đặc biệt trong âm nhạc của Trần Long Ẩn và cũng là của những thế hệ nhạc sĩ cách mạng. Họ đã đặt đúng trái tim họ, tình yêu của họ, âm nhạc của họ vào tình yêu lớn của đất nước. Giữa nơi ấy, trái tim họ dù có rung lên những cảm xúc riêng tư thì những cảm xúc ấy vẫn chứa chan tình yêu đất nước. Ngược lại, khi viết về tình yêu đất nước, tình yêu thế gian, một giai điệu bao la ấy lại có thể chứa đựng hết tất cả những cõi lòng riêng tư của họ.
Đấy chính là điều mà nhiều nhạc sĩ trẻ ngày nay không hoà hợp được. Ông cho rằng, có lẽ các nhạc sĩ trẻ dưới áp lực của thị trường đã quá vội vàng trong việc sáng tác những ca khúc của mình. Mỗi đêm có hàng trăm, hàng ngàn tụ điểm ca nhạc, do đó cũng cần vài chục bài hát mới. Các nhạc sĩ trẻ đành cắn răng cầm tiền đặt hàng để viết những bài ca ẽo uột và dung tục – những bài ca có lẽ chỉ sống qua vài đêm. Khi các nhạc sĩ trẻ đã “nhắm mắt đưa chân” vào cái “nồi lẩu” âm nhạc hàng đêm đó, thì khó thoát ra khỏi nó.
Trong những năm gần đây, đời sống âm nhạc còn nhận nhiều tin buồn vì các vụ “đạo nhạc” nước ngoài. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn lắc đầu nói rằng, hiện nay vẫn còn khá nhiều bài hát “ảnh hưởng” quá đậm từ những bài hát nước ngoài. Ông cho rằng, một vài người trót “đạo nhạc” như vậy là vì đã cạn kiệt sinh lực, không biết sáng tác thế nào nữa nên cuống quá, làm liều một hai bài để tự an tâm mình. Đó là điều cần được hiểu và cần được cảm thông. Nhưng cũng có một số người vì lợi ích cá nhân mà “đạo nhạc”. Đấy chính là những người cần phải bị lên án. Tuy nhiên, nhạc sĩ nhận xét rất đúng rằng, tất cả họ làm thế chỉ vì họ quá coi trọng lợi ích cá nhân trong việc sáng tác âm nhạc. Đó có lẽ là căn bệnh chung của nhiều ngành nghệ thuật hiện đại.
Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây! Một ý tưởng thật lạ lùng. Nhưng không, cái sức mạnh của rừng cây được nhìn thấy trong mỗi con người như thể nhìn thấy cả cuộc sống cộng đồng trong một cá thể. Đây chính là tình yêu, là lý tưởng xuyên suốt bài ca. Những giá trị ấy không bao giờ cũ. Không những thế, trong đời sống hiện đại đầy sự phân cách này, những giá trị ấy lại càng phải được tôn vinh, được hiển lộ nhiều hơn. Một đời người giống như triệu triệu rừng cây.
sưu tầm