Chuyện ít biết về tác giả bài thơ Thăm Lúa

Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn gió
Sương lại càng long lanh.

Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao cùng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Văng vẳng khắp cánh đồng

Đứng chống cuộc em trông
Em thấy lòng khấp khởi
Bởi vì em nhớ lại
Một buổi sớm mai ri

Anh tình nguyện ra đi
Chiền chiện cao cùng hót
Lúa cũng vừa sẫm hột
Em tiễn anh lên đường
Chiếc xắc mây anh mang

Em nách mo cơm nếp
Lúa níu anh trật dép
Anh cúi sửa vội vàng
Vượt cánh đồng tắt ngang

Đến bờ ni anh bảo
“Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt”

Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng
Sắp đến chỗ người dông
Anh bảo em ngoái lại

Cam ba lần ra trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân đi ra
Từ ngày đầu phòng ngự

Bước qua kì cầm cự
Anh có gửi lời về
Cầm thư anh mân mê
Bụng em giừ phấp phới

Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật

Xoè bàn tay bấm đốt
Tính cũng bốn năm ròng
Ai cũng bảo đừng mong
Riêng em thì vẫn nhớ

Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được

Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em mong ngày chiến thắng.

Trần Hữu Thung

(1-1-1950)

Nhiều thế hệ học sinh của chúng ta đã học giảng văn bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung. Đó là một trong những bài thơ hay hồi kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, dự một đám cưới ở huyện Đô Lương, Nghệ An, Trần Hữu Thung đã viết và đọc tại chỗ bài này. Nhiều người chuyền tay nhau chép vào sổ. Sau đó, bài thơ được giải Nhất trong Festival Thanh Niên thế giới tại Đức.

“Thăm lúa” mang âm hưởng dân ca rất đậm, nhất là âm hưởng điệu hát giặm Nghệ Tĩnh. Ngay từ thời bài thơ mới ra đời, đã được phổ biến rộng rãi ở nông thôn vùng khu Bốn.

Một lần, đạp xe đi công tác với một người bạn, anh mải mê ngắm phong cảnh ruộng đồng, làng mạc. Quay lại, không thấy người bạn đâu cả. Anh đành vào quán nước chè xanh đợi bạn. Một chốc sau, người bạn hăm hở đạp xe đuổi theo anh và nói: “Thung ơi, tao nghe từ trong xóm vọng ra tiếng ru của cô gái bài hát giặm rất mới và hay như bài thơ. Tao dừng lại chép. Đây, mày xem!…” Trần Hữu Thung hối hả đọc, thì ra bài thơ “Thăm lúa” của mình. Bài thơ chưa được đăng báo mà đã có người thuộc.

Trong một chuyến đi ngược sông Lam, trăng thanh gió mát, người chen chúc nhau nằm trên ván thuyền, một người xướng lên: “Đề nghị cô lái đò hát cho vui”. Mọi người đồng thanh hưởng ứng. Cô lái đò cất giọng hát những bài dân ca Nghệ Tĩnh, rồi hát bài “Thăm lúa”. Ngỡ là Trần Hữu Thung đã ngủ một người bạn lách đám đông người và gánh gồng ngổn ngang, tìm đến chỗ Thung nằm: “Thung ơi, cô lái đò đang hát bài “Thăm lúa” của mày”. Thung giơ tay: “Im, im mà nghe”. Hai bạn ngồi tựa vào mạn thuyền, vừa hút thuốc lào vừa nghe. Cô lái đò hát xong bài “Thăm lúa” thì cũng vừa đến bến Rạng. Thung niềm nở chào cô lái đò và bước lên bờ. Một ông khách ghé tai cô nói nhỏ: “Anh ấy là Trần Hữu Thung, cô vừa hát bài của anh ấy”. Cô lái vội vã gọi to: “Anh là Trần Hữu Thung à, quay lại cho em xem mặt một tí!…”.

Bà con nông dân Nghệ Tĩnh thường hay uống nước chè xanh. Người ta dùng xe cút kít chở chè từ Anh Sơn, Đô Lương về bán ở các chợ miền xuôi… Trần Hữu Thung đang thong dong cuốc bộ từ trên đường số 7 thì gặp một đoàn xe chở chè vượt dốc Truông Kè. Mấy cậu con trai ra sức đẩy xe. Mấy cô gái vừa kéo xe vừa hát. Họ hát lẫn lộn bài “Thăm lúa” với những bài giặm vè quê hương. Cảm thấy vui trong lòng, anh Thung quàng xắc chéo qua vai, xúm tay cùng đẩy xe chè. Anh vừa đẩy vừa nhẩm thuộc những bài giặm vè mà anh chưa biết… Qua bên kia dốc, anh cùng vào uống nước chè xanh với đoàn người buôn chè. Một người cùng cơ quan đi qua, cũng dừng lại uống nước, chợt thấy Trần Hữu Thung đang phanh trần áo, mồ hôi đầm đìa, chuyện trò rôm rả, bèn gọi toáng lên: “Thung! Thung! Trần Hữu Thung!”. Anh giật mình, quay ra. Cả phường buôn chè cũng nhìn anh, hỏi nhau: “Ông này là Trần Hữu Thung à?…”.

Trần Hữu Thung đã có lần bị bọn xấu trấn lột. Chuyện xảy ra thật buồn cười… Đi công tác các làng quê trong tỉnh, rất ít khi anh đi ô tô, mà thường dùng cái xe đạp cọc cạch. Lần ấy, đêm khuya gió mát, anh đạp xe một mình từ Đô Lương về Diễn Châu. Đến quãng đường vắng, hai cậu thanh niên cầm gậy ngáng lại. Trần Hữu Thung bình tĩnh dừng xe:

– Hai đứa mày muốn trấn lột tao chứ gì?

Anh móc túi và trao cho chúng:

– Đây, tao chỉ có 9.000 đồng, chúng mày cầm mà tiêu. Còn cái xe cọc cạch này đáng mấy xu, chúng mày lấy làm gì!

Hai cậu thanh niên cầm 9.000 đồng và giậy túi dết lục soát, thấy có nhiều cuốn sổ và ở bìa cuốn nào cũng ghi tên “Trần Hữu Thung”. Một cậu hỏi:

– Bác là Trần Hữu Thung à?

– Ấy!

– Có phải Trần Hữu Thung “Thăm lúa” không?

– Ấy!

– Thế thì chúng cháu xin lỗi bác!

Hai cậu thanh niên trao lại cho Trần Hữu Thung túi dết và 9.000 đồng, rồi bước đi và nói với nhau: “Nhà thơ mà nghèo quá!”.

Bài thơ “Thăm lúa” lặng lẽ ra đời và lặng đi sâu vào lòng người. Bạn bè hỏi chuyện, Trần Hữu Thung lặng lẽ trả lời: “Hồi đó mình có biết gì về lý luận văn nghệ hiện thực chủ nghĩa xã hội đâu. Được bà con mời dự đám cưới, mình biết cưới xong chú rể sẽ tòng quân, bỗng nhiên xúc động cầm bút viết thành thơ…”.

sưu tầm

 

Bình luận Facebook