Câu chuyện cảm động về bài thơ & ca khúc “Mùa xuân nho nhỏ”
Cứ mỗi độ xuân về, khắp nơi trong nước lại vang lên ca khúc “Mùa xuân nho nhỏ”, nhạc Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải. Ít người biết xung quanh bài thơ và bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” của hai người nghệ sĩ gắn bó với Huế, có nhiều chuyện cảm động.
Cố nhà thơ Thanh Hải – Tác giả bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Ảnh: TL
Bà Thanh Tâm đã kể lại những ngày cuối đời, nhà thơ Thanh Hải vẫn cầm bút làm thơ. Lúc bấy giờ là năm 1980, nhà thơ Thanh Hải qua những năm tháng chịu đựng gian khổ, đã mắc bệnh ung thư. Trên giường bệnh tại Bệnh viện Huế, biết không thể qua được cơn bệnh hiểm nghèo, ông trút hết sức lực của mình trong những vần thơ tâm huyết. Ông đã viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” giữa những cơn đau. Bài thơ cho người đọc thấy những tâm sự, chiêm nghiệm của một con người đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng.
Nhạc sĩ Trần Hoàn kể: “Hôm nhà thơ mất, người vợ yêu quý của nhà thơ đưa đến cho tôi những vần thơ cuối cùng của anh, trong đó có “Một mùa xuân nho nhỏ”. Ngày đưa tang Thanh Hải là một ngày trời đất Huế mưa dầm mưa dề. Trong điếu văn trước khi đưa linh cữu anh xuống huyệt mộ, tôi đã khóc và mọi người đều khóc, nhất là khi nghe những lời trăn trối: “Ta làm con chim hót/Ta làm một nhành hoa/Một nốt trầm xao xuyến/Ta biến trong hòa ca…/Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ/lặng lẽ dâng cho đời”…
Nhạc sĩ Trần Hoàn là người sống nhiều năm với nhà thơ Thanh Hải, nên bài thơ đem lại cho ông cảm giác vừa bùi ngùi, thương cảm, vừa trân quý sự gắng gỏi quý giá của một người biết mình sắp đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng luôn muốn đóng góp cho đời niềm vui, một niềm tin dù là nho nhỏ như một “nốt trầm xao xuyến” để tan biến vào trong bản hợp xướng vĩ đại của đất nước. Trong những ngày xúc động vì nhà thơ Thanh Hải qua đời, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc bài thơ này. Tết Tân Dậu (1981), ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” nhạc Trần Hoàn, thơ Thanh Hải do nghệ sĩ Kim Phúc thể hiện, giọng ca trong trẻo ngân vang trên sóng phát thanh, đến với thính giả trong và ngoài nước.
Nhạc sĩ Trần Hoàn có lần tâm sự: “Một số nhạc sĩ phổ bài thơ này âm giai vui vẻ, còn tôi phổ hơi bùi ngùi. Bởi vì trước khi bạn tôi, nhà thơ Thanh Hải ra đi, đã viết như là một lời trăn trối. Chúng ta làm văn nghệ không nên vỗ ngực cho là làm cái gì to lớn. Ta góp một nhành trúc, một nhành hoa, một nốt nhạc cũng được, miễn là trong bản hòa ca chung của bản hợp xướng nghệ thuật phục vụ cách mạng là được rồi…”.
Trong ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ”, nhạc sĩ Trần Hoàn không sử dụng hẳn một chất liệu dân ca vùng nào. Bài hát có thoáng chút ví, giặm Nghệ Tĩnh rồi được biến hóa đi ngay: “Mọc giữa dòng sông xanh/Một bông hoa tím biếc/Ơi con chim chiền chiện…”. Bố cục của bài hát tròn đầy hai đoạn. Đoạn một, giai điệu được viết ở giọng thứ. Đoạn hai, giai điệu chuyển sang trưởng. Cách viết này là thông thường, không có gì đặc biệt, nhưng ngôn ngữ âm nhạc của “Một mùa xuân nho nhỏ” thật độc đáo bởi tạo dựng được một hình tượng khiến người nghe cảm thấy bồi hồi, xao xuyến.
Ở đoạn hai, khi giai điệu đã chuyển hẳn sang giai trưởng, thông thường sẽ sáng, vui hẳn lên nhưng người nghe vẫn được tô đậm thêm ấn tượng ban đầu do đoạn một đem lại: “Mùa xuân, mùa xuân!/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Mùa xuân, mùa xuân/ Mùa xuân tôi xin hát…”. Những dấu lặng đơn, được đặt sau mỗi tiếng “xuân” gây cho người nghe như đang thấy những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá, nhành cây… Mùa xuân đang về với những hứa hẹn tràn đầy sức sống, sự thanh xuân… Nhưng mùa xuân đâu chỉ có ca vui, đâu chỉ phơi phới như gió xuân lan tràn…; mà thực ra còn có rất nhiều suy ngẫm cho cuộc đời, cho thời khắc năm mới trước những dự định tốt đẹp…
Mùa xuân trong tác phẩm của Trần Hoàn và Thanh Hải cũng là mùa xuân của những người mẫn cảm, giàu suy nghĩ, đâu chỉ là chuyện riêng bản thân mà là chuyện của giang sơn, đất nước, của muôn người chưa được toàn vẹn hạnh phúc vì còn lắm nỗi gian truân: “Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao”. Trong mùa xuân cuộc đời, mỗi người tự nhắc mình: Hãy “làm con chim hót, làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hòa ca”… Nhạc và lời hòa quyện nhau đầy thuyết phục và đắm say lòng người, tình đời.
Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng kể lại là sau khi bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” ra đời, năm nào sắp đến Tết, ông cũng được Đài Tiếng nói Việt Nam đặt hàng sáng tác bài hát mới về mùa xuân. Tuy nhiên, nhiều năm đã ngồi vào đàn nhưng ông bất lực. Chính xác là ông có viết ra nhưng lại tự hủy ngay vì thấy ca khúc vừa ra đời không thể vượt qua cái bóng của chính mình, kém xa bài hát mà ông đã phổ thơ của Thanh Hải.
Nhạc sĩ Trần Hoàn nói: “Thẩm định tác phẩm là quyền của Nhân dân, song với tôi, đây là một bản nhạc mà mỗi lần nghe hát, tôi không thể nào cầm được nước mắt”.
Sưu tầm