Nhà thơ có nhiều thơ phổ nhạc nhất Việt Nam
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhà thơ Tạ Hữu Yên để lại dấu ấn với nhiều tập thơ nổi tiếng: Bài thơ chính nghĩa (1951), Tiếng ca xanh (1978), Bức chân dung (1985), Nỗi nhớ ngày thường (1987), Bốn cánh hoa hồng (1996), Ngọn súng biên phòng (1983), Sấm dậy trưa hè (1984), Thung lũng lửa và hoa (1988)… Tạ Hữu Yên là nhà thơ Việt Nam có nhiều thơ phổ nhạc nhất.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên
Chân tình và giản dị
Nhà thơ Tạ Hữu Yên vốn sinh ra tại Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng cuộc đời ông lại gắn liền những kỷ niệm buồn vui với Hà Nội.
Thơ của ông là tiếng hát chân thành, trước hết là người lính trước thời cuộc của con người, quê hương, đất nước. Nhà thơ Tạ Hữu Yên viết cần mẫn và bền bỉ. Một đời cầm bút, ông đã cho ra mắt bạn đọc trên năm chục đầu sách, gồm: thơ, văn, ca dao, sưu tầm, trong đó có 15 cuốn viết về Bác Hồ. Đặc biệt, ông là nhà thơ có số lượng thơ được phổ nhạc nhiều nhất nước. Trong số 165 bài thơ của ông đã được các nhạc sỹ phổ nhạc, có nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Đất nước, Đôi dép Bác Hồ, Cảm xúc tháng Mười… Lời ca da diết, trầm hùng và đầy bi tráng, luôn khơi gợi bao niềm tự hào thẳm sâu của mỗi con người đã từng đi qua một thời máu lửa của đất. “Thơ Tạ Hữu Yên dù là Tiếng ca xanh, là Ngọn súng biên phòng, là Sấm dậy trưa hè hay là Lửa và hoa đều là thơ viết về người lính với tất cả niềm yêu thương, trân trọng vô cùng! Dù đã in tới cả trăm đầu sách, cả ngàn bài báo viết về họ, ông vẫn xem là chưa đủ” – Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình chia sẻ.
Thơ của ông, chân tình như chính con người Tạ Hữu Yên. Chân tình và giản dị. Hễ ai có dịp tiếp xúc, dù chỉ một lần, hẳn cũng dễ nhận được tình cảm và ấn tượng tốt về ông. Trong cuộc sống, ông không phải là người may mắn gì, nhưng chưa bao giờ thấy ông một lời ca thán. Bạn bè ai cũng biết căn nhà của nhà thơ Tạ Hữu Yên ở trên tầng 3 chỉ là phòng nhỏ đơn sơ và giản dị. Tuy vậy, ông không bao giờ kêu ca để nhận một sự ưu ái cho riêng bản thân mình. Ông luôn vui sống với cuộc đời đạm bạc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Người ta đi ô tô, xe máy nhưng ông chỉ đi xe đạp. Ai biết được cảnh túng bấn của gia đình ông trong thời kỳ đất nước khó khăn mới thật sự cảm thông và yêu mến ông. Ông là người tin yêu con người, tin yêu cuộc sống dường như tới độ tuyệt đối. Nhiều bạn văn của ông đều nói vui, ông là người mẫu mực của hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Tính tình ông ân cần, chân tình với mọi người. Sinh thời, ông không muốn làm tổn thương tình cảm với bất kỳ ai. Ông sống nhân hậu và luôn luôn lao động hết mình cho nghệ thuật nên có lắm bạn bè. Đông hơn cả là các bạn chiến đấu, bạn viết, bạn thơ, và các nhạc sĩ.
Bài ca đi cùng năm tháng
Tính thời sự của thơ Tạ Hữu Yên thể hiện ở những tứ thơ khái quát, xuyên suốt, thủy chung và thống nhất. Những bài thơ phổ nhạc của Tạ Hữu Yên, “đi cùng năm tháng” như: Đất nước (Phạm Minh Tuấn phổ nhạc), Đôi dép Bác Hồ (Văn An phổ nhạc), Cảm xúc tháng Mười (Nguyễn Thành phổ nhạc) và bài Bàn tay mẹ (do Minh Châu, Nguyễn Thụy Kha, Bùi Đình Thảo phổ nhạc) – một trong những bài hát viết cho thiếu nhi được bình chọn là hay nhất thế kỷ XX… Những câu thơ của Tạ Hữu Yên đẹp lung linh “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về, mình mẹ lặng im…” (Đất nước). Những câu thơ duyên dáng “Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường”… Những câu thơ giản dị chân thành “Đôi dép đơn sơ/Đôi dép Bác Hồ/Bác đi từ ở chiến khu Bác về”… (Đôi dép Bác Hồ).
Bài thơ Đất nước, được viết sau lần ông đến thăm một trại an dưỡng dành cho các bà mẹ có con là liệt sĩ ở tỉnh Thái Bình. Nghĩ đến các mẹ, ông vô cùng xúc động, nước mắt tự nhiên ứa ra. Các mẹ là biểu tượng của đất nước tươi đẹp, đau thương và anh hùng của chúng ta – đất nước của đàn bầu, của dân ca, nhưng cũng là đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, “chặn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”, đất nước của những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”…
Với bài thơ Đôi dép Bác Hồ được ông sáng tác năm 1969. Năm ấy, Bác qua đời, trong đoàn chiến sĩ Tổng cục Chính trị đi viếng Bác ông vô cùng xúc động khi nhìn thấy đôi dép cao su của Người – đôi dép đã mở đường cho cách mạng Việt Nam, đã dẫn dắt quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà sao thật giản dị, gần gũi và rất đỗi đời thường! Hình ảnh đôi dép cao su của Bác cùng những bước chân chiến sĩ cứ ám ảnh ông như không thể dứt ra được. Và bài thơ đã ra đời với những câu thật tự nhiên như không hề có sự sắp đặt, bài trí: Đôi dép đơn sơ/ Đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về… Cùng với các bài hát Đất nước, Cảm xúc tháng Mười, bài hát Đôi dép Bác Hồ đã trở thành những bài tiêu biểu của ca khúc cách mạng Việt Nam.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã mãi xa Hà Nội. Nhưng công chúng yêu thơ ông sẽ luôn nhớ mãi hình ảnh, một tấm gương lao động, một tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước cùng giai điệu của những bài ca bất hủ mà nhà thơ đã để lại cho đời. “Đây là một nghề cực nhọc, đòi hỏi sự toàn tâm, toàn ý suốt cả cuộc đời. Mang quân hàm đại tá nhưng tôi vẫn cảm thấy mình như một binh nhì, luôn luôn gần gũi với chiến sĩ, các cựu chiến binh và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi muốn được đến các vùng đất lạ và quen, những vùng quê giàu truyền thống chống ngoại xâm và có bề dày văn hóa, gắng viết về đề tài tôi từng ôm ấp: Chiến tranh, cách mạng, lực lượng vũ trang và các đồng đội của mình…”- Nhà thơ Tạ Hữu Yên từng trải lòng.
Nguồn: GDTĐ