Những bài thơ Việt hơn một lần được phổ nhạc
Những bài thơ Việt hơn một lần được phổ nhạcLịch sử ca khúc Việt Nam có vô vàn các tác phẩm xuất sắc được phổ từ thơ, nhiều nhạc sĩ đã khẳng định được tên tuổi mình qua những ca khúc mà phần lời chính là điệu tâm hồn của các thi sĩ. Khi một bài thơ được trở thành một bài hát, nó ắt hẳn phải đáp ứng được ba yêu cầu tối thiểu: đẹp về ngôn từ, hay về nội dung và gợi được nhạc tính.
Đã có không ít bài thơ trong dòng chảy thi ca Việt Nam hơn một lần được phổ nhạc, con số lớn hơn một này có thể dịch chuyển từ 2 cho tới 7 bản nhạc khác nhau trên cùng cái nền là một bài thơ. Điều này có lẽ xuất phát từ hai cảm hứng. Thứ nhất, người nhạc sĩ thấy rằng bản nhạc thứ nhất đã hay nhưng vẫn còn muốn thể hiện tiếp bài thơ mà mình yêu mến trong những cung bậc âm thanh khác, những đường nét giai điệu khác. Thứ hai, người nhạc sĩ thấy rằng bản nhạc thứ nhất chưa làm mình thỏa mãn, chưa thật sự tương xứng với cái hay của bài thơ nên cần phải “làm lại”. Tạm chia sự phát triển của thơ Việt ra 4 thời kỳ, thời kỳ nào cũng có những bài thơ hay, hơn một lần được phổ nhạc, được cấp thêm những đời sống mới khi hóa thân thành các ca khúc.
Thời kỳ trước 1945
Có 4 thi phẩm của thời kỳ Thơ Mới đã gợi nên cảm hứng khiến những người nhạc sĩ không thể bỏ qua. Trong số 4 thi phẩm này, Nguyễn Bính đã chiếm tới hai bài: Cô hái mơ và Chân quê. Bài thơ Cô hái mơ là một trong những sáng tác đầu tay của Nguyễn Bính, giúp ông nhanh chóng khẳng định được một vị trí không thể nhòa lẫn trên thi đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bài thơ đuợc viết theo thể thất ngôn gồm 28 câu, như một bức tranh, một câu chuyện, một giấc mơ tuyệt đẹp về mối tình nghệ sĩ trong không gian tình tứ êm ái của chùa Hương: Cô hái mơ ơi, cô gái ơi/Chẳng trả lời nhau lấy một lời/Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng/Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi. Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên phổ nhạc ca khúc này (1942), sau đó hơn 20 năm, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi đã nổi danh với các tác phẩm Xa khơi và Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó tiếp tục phổ nhạc lần thứ hai. Đến năm 1987, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm (tác giả ca khúc nổi tiếng Tháng sáu trời mưa phổ thơ Nguyên Sa) tiếp tục phổ nhạc bài này khi anh đang ở Mỹ. Và gần đây nhất, những người yêu mến bài Cô hái mơ tiếp tục được thưởng thức bản nhạc thứ tư của Đỗ Xuân Thịnh qua tiếng hát Cao Minh.
Bài thơ thứ hai của Nguyễn Bính được hai lần phổ nhạc là thi phẩm lục bát nổi tiếng Chân quê. Trước tiên, nó được nhạc sĩ Song Ngọc ở hải ngoại phổ thành ca khúc với tên gọi mới: Hương đồng gió nội nhưng bản nhạc không mấy thành công. Người yêu nhạc Việt Nam quen thuộc và thích thú hơn với bản phổ của Trung Đức do chính tác giả trình bày
Hai thi phẩm còn lại của Thơ Mới là Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp và Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Bài thơ ngũ ngôn gồm 34 khổ, dài 170 câu của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê sử dụng gần như toàn bộ để phổ thơ năm 1946, kết hợp vừa đọc vừa hát một số khổ. Cảm giác nghe bài hát của Trần Văn Khê khá mệt mỏi và đơn điệu về đường nét. Nhiều người không đủ kiên nhẫn nghe hết bài hát này dù ca sĩ thể hiện có giọng hát nổi danh: Ý Lan. Mãi đến gần 40 năm sau ngày Trần Văn Khê phổ nhạc, bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp mới thực sự có được đời sống của một ca khúc, được đông đảo công chúng biết đến và yêu mến. Đó là khi tác phẩm được nghệ sĩ Trung Đức phổ nhạc thành ca khúc Em đi chùa Hương và chỉ sử dụng 3 khổ thơ trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.
Bài thơ trong thời kỳ Thơ Mới được phổ nhạc nhiều nhất là Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Giai phẩm gồm 9 câu ngũ ngôn này mỗi lần được đọc là mỗi lần ngân lên những nỗi niềm xao xuyến, muôn vàn vương vấn trong tâm hồn biết bao thế hệ: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô. Có tất cả 6 nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ này, theo trình tự thời gian lần lượt là: Võ Đức Thu, Lê Thương, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Phúc Thắng và Hữu Xuân. Hai bản nhạc theo tôi thành công nhất, để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng là bản Tiếng thu của Phạm Duy qua giọng ca Khánh Ly, Lệ Thu và bản Tiếng thu của Hữu Xuân qua tiếng hát Mỹ Linh.
Thời kỳ 1945-1954
Đây là thời kỳ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Bắc. Thơ ca thời chiến có nhiều bài thật xuất sắc song để gây nên một hiệu ứng âm nhạc kéo dài trong nhiều thập niên thì tác phẩm đáng nhất trong thời kỳ này là Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Bài thơ được viết năm 1949, là nỗi niềm xót xa của người lính khóc người vợ hiền Lê Đỗ Thị Ninh ở hậu phương không còn nữa: Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái ở hậu phương. Bản phổ nhạc sớm nhất bài thơ này là bản Những đồi hoa sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh, đây cũng là bản phổ thơ mà Hữu Loan tâm đắc nhất trong một lần ông phát biểu trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Dzũng Chinh phổ nhạc bài thơ này trên nền điệu Bolero nên mặc dù giai điệu cực kỳ đi vào lòng người song vẫn bị nhiều thức giả xếp vào dòng nhạc sến. Dù thế, tên tuổi Dzũng Chinh sau khi công bố ca khúc này đã trở nên vang dội trong Nam ngoài Bắc. Bản phổ thứ hai bài thơ Màu tím hoa sim là bản của Duy Khánh, được Hoàng Oanh thể hiện dưới dạng Thi nhạc giao duyên, song có một lỗi nghiêm trọng là hình ảnh anh Vệ quốc quân lại biến thành anh lính cộng hòa. Vì sự xuyên tạc, không trung thành với nguyên tác này mà Màu tím hoa sim của Duy Khánh trở thành một bản phổ không giá trị. Bản nhạc thứ ba được công chúng biết đến là bản Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy, hoàn thành trong khoảng thời gian 22 năm (1949-1971). Đây là một bản phổ tương đối trung thành với lời thơ và có tính học thuật rất cao, rất công phu trong việc chuyển nhịp, tạo biến tấu, linh hoạt về khúc thức. Tuy thế, một tác phẩm khóc vợ mà kết thúc lại bằng nhịp quân hành thì dường như có điều gì chưa ổn, làm người nghe vẫn chưa thực sự thỏa mãn. Sau 1975, ở hải ngoại, nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục phổ lại bài thơ Màu tím hoa sim thành ca khúc mang tên Chuyện hoa sim. Đây cũng là một bản nhạc được nhiều người ưa thích qua giọng ca Như Quỳnh. Tuy vậy, nếu xét trong sự trung thành với nguyên tác thì bản của Anh Bằng đã “vi phạm” ở chỗ ông tách mình ra thành một ngôi thứ ba chứng kiến câu chuyện tình buồn chứ không để bản nhạc hiện lên theo tinh thần nhân vật chính kể lại câu chuyện đời mình. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết, tình tiết trong nguyên tác cũng bị ông lược bớt. Ngoài bốn bản nhạc trên, hình ảnh màu tím hoa sim còn gợi cảm hứng để các nhạc sĩ viết nên một số ca khúc khác như Tím cả rừng chiều (Thu Hồ), Tím cả chiều hoang (Nguyễn Đặng Mừng), Chuyện người con gái hái sim (Hồng Vân). Gần đây, trên ANTG giữa tháng số ra ngày 12/04/2010, nhạc sĩ Nhị Độ đã công bố thêm một bản phổ Màu tím hoa sim nữa của tác giả Thương Linh mà theo Nhị Độ thì đây mới là bản phổ xuất sắc nhất. Như vậy, bài thơ Màu tím hoa sim tính cho đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 5 bản phổ nhạc và chắc chắn đây là bài thơ tạo nên nhiều huyền thoại nhất trong thơ Việt Nam thế kỷ XX.
Thời kỳ 1954-1975
Thơ ca sáng tác trong giai đoạn này có ba tác phẩm hơn một lần được phổ nhạc. Đó là các bài Bóng cây Kơ nia của Ngọc Anh, Thuyền và biển của Xuân Quỳnh và Lá diêu bông của Hoàng Cầm.
Theo Luận án phó Tiến sĩ của nhạc sĩ Hoàng Long về Phổ nhạc trong thơ, bài Bóng cây Kơ nia đã có tới 4 bản phổ nhạc. Bản phổ đầu tiên là của nhạc sĩ Phan Thành Nam do ca sĩ Tường Vi thể hiện, đã được phát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, sau này không có ca sĩ nào trình bày lại ca khúc này nữa vì nó rất khó hát. Hai bản phổ tiếp theo của nhạc sĩ Hoàng Vân và của chính Ngọc Anh đều không thành công. Phải đợi đến bản phổ của Phan Huỳnh Điểu, ca khúc Bóng cây Kơ nia mới thực sự đi vào lòng công chúng, được người yêu nhạc nồng nhiệt đón nhận và đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này như Măng Thị Hội, Lan Anh, Phương Nga, Thu Minh, Thùy Dung, Ngọc Anh, Rơ Chăm Pheng v.v…
Bài Thuyền và biển với hai bản phổ nhạc của Phan Huỳnh Điểu và Hữu Xuân cho đến lúc này vẫn là một trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử thơ phổ nhạc của ca khúc Việt. Phan Huỳnh Điểu phổ trước, Hữu Xuân phổ sau và cả hai bản cùng hay theo cách kẻ tám lạng người nửa cân. Bài của Phan Huỳnh Điểu viết theo giọng Rê thứ, bài của Hữu Xuân viết trên giọng Pha trưởng đều làm say đắm người nghe trong suốt mấy chục năm qua.
Lá diêu bông của Hoàng Cầm là một bài thơ có hoàn cảnh hơi đặc biệt. Viết xong từ năm 1959 nhưng mấy chục năm sau ông mới công bố. Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn thân của Hoàng Cầm có lẽ là một trong những người biết bài thơ này sớm nhất và đã phổ nhạc thi phẩm vào khoảng năm 1980. Tuy nhiên, bản nhạc này không mấy thành công nên được ít người biết đến. Có 4 nhạc sĩ sau đó đều phổ bài thơ này nhưng chưa thực sự có bản nhạc nào gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Đó là các bản phổ của Nguyễn Tiến, Hữu Nội, Lê Yên và Lê Việt Hòa. Thi phẩm để đời của Hoàng Cầm vẫn còn là một cánh cửa mở ngỏ, chờ đợi và thử thách những người phổ nhạc.
Thời kỳ sau 1975
Sau ngày nước nhà hoàn toàn thống nhất, những bài thơ hơn một lần được phổ nhạc có ba đại diện điển hình đáng được chú ý. Đó là hai bài thơ Hoa tím ngày xưa và Hương xưa của Cao Vũ Huy Miên sáng tác trong những thập niên 80 và gần đây nhất là bài Dòng sông không trở lại của Vi Thùy Linh. Bài thơ Hoa tím ngày xưa của Cao Vũ Huy Miên xuất hiện lần đầu trên báo Tuổi trẻ năm 1985 và ngay sau đó đã được hai nhạc sĩ là Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc nhưng không mấy thành công. Mãi đến năm 1998, nhạc sĩ Hữu Xuân mới biến bài thơ trở thành một ca khúc quyến rũ qua giọng hát đầu tiên thể hiện: Lam Trường, kế đó là ca sĩ Thu Phương. Còn với bài thơ Hương xưa, lần này thì cái duyên âm nhạc đã đến với nhạc sĩ Vũ Hoàng dù Hữu Xuân cũng đã phổ bài thơ này. Một điều thú vị là cả hai bài thơ của Cao Vũ Huy Miên khi được phổ hầu như không phải thêm bớt chữ nào: “Không hiểu vì sao ta có buổi chiều nay/ Gặp lại nhau và bỗng dưng em khóc/ Giọt nước mắt anh làm sao ngăn được/ Em bây giờ như xa một tầm tay…”
Bài thơ Dòng sông không trở lại của Vi Thùy Linh có lẽ là sáng tác duy nhất của một người viết trẻ thuộc thế hệ 8x được hai nhạc sĩ “gạo cội” phổ nhạc: Bảo Phúc và Phú Quang. Bảo Phúc thì gần như chỉ mượn cái tứ dòng sông không trở lại để viết nên ca khúc của mình. Bản của Phú Quang mới thực sự là một bàn nhạc phổ thơ theo đúng nghĩa vì nó trung thành và tương đối bám sát nguyên tác. Tuy thế, những hình ảnh đẹp nhất bài thơ đều được hai nhạc sĩ sử dụng để đưa vào ca từ và phải công nhận rằng, cả hai bản đều rất cuốn hút. Với riêng tôi, tôi thích bản của Phú Quang nhiều hơn: “Anh vẫn nghe tiếng em từ miền xa vắng nào/Anh vẫn chờ những điều chưa tới/Anh khát khao khát khao bình yên giữa gió gào/Khi nụ cười vỡ vào nước mắt/Một dòng sông chảy ngược vào anh”…
Thơ và nhạc là một mối lương duyên muôn đời. Bản thân trong mỗi bài thơ đã tiềm tàng, hàm chứa những nhạc tính nhất định, chờ người nhạc sĩ thổi vào một giai điệu hoàn chỉnh. Những bài thơ có nhiều bản phổ nhạc hầu hết đều là những tác phẩm từ hay tới rất hay, tuy nhiên bài thơ ấy có trở thành một ca khúc xuất sắc hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều điều. Sự rung động cháy bỏng và nỗ lực sáng tạo của người nhạc sĩ là những yếu tố quan trọng hàng đầu để làm nên thành công cho những ca khúc được phổ từ thơ.
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021