Những người con gái trong thơ Nguyễn Bính
Nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn bên bức tranh chữ có chữ “Đào”.Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Hạnh Cẩn thì trong thơ của Nguyễn Bính, có nhiều bài luôn phảng phất phong vị của tình cảm giữa người với người. Nhà thơ rất đa tình.
Ngay như bài thơ “Cô hái mơ”, Nguyễn Bính viết khi mới 16-17 tuổi nhưng đã có những câu thơ rất bay bổng, lãng mạn: “Hỡi cô con gái hái mơ già. Cô chửa về ư, đường thì xa. Mà ánh chiều hôm dần một tắt. Hay cô ở lại về cùng ta”.
Hình ảnh minh họa
Trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của Nguyễn Bính, đồng thời là một trong những người bạn thân thiết của Nguyễn Bính những tháng năm tuổi thơ cũng cung cấp thêm những tư liệu về Nguyễn Bính, trong đó lý giải phần nào về những cái tên Trúc, Oanh, Tú Uyên, Nhi… xuất hiện trong một số bài thơ của Nguyễn Bính.
Rất mong được bạn đọc xa gần cùng trao đổi để có thể hiểu thêm, yêu thêm thơ của Nguyễn Bính và con người ông.
Không phải từ năm 1938, khi trên “Tiểu thuyết thứ Năm” xuất hiện bài thơ “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính, mà đến tận bây giờ nhiều người yêu thơ của ông vẫn băn khoăn tự hỏi: Người con gái trong bài thơ nổi tiếng này của Nguyễn Bính có thật không, và đó là ai? Trong bài thơ này có đoạn:
“Hôm nay khói pháo đầy đường.
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng.
Chuyến này chị bước sang ngang.
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay”.
Khi tôi hỏi điều này, cụ Bùi Hạnh Cẩn bồi hồi một lúc rồi nhớ lại: “Sau cuộc phiêu bạt giang hồ, vào Nam, tham gia kháng chiến, rồi ra lại Hà Nội, có một lần Nguyễn Bính gặp tôi. Bính hỏi: Trong các bài thơ gửi chị Trúc, Cẩn thích nhất bài nào? Đương nhiên là “Lỡ bước sang ngang”.
Người con gái trong “Lỡ bước sang ngang” họ Lê tên N. Th (còn có tên là Ch.) quê ở Phủ Hoài, Hà Đông. Lấy chồng có một hiệu ảnh ở Hà Đông. Th. người nhỏ nhắn, xinh đẹp, tháo vát, được nhiều người quý mến. Anh ruột củaBính là Nguyễn Mạnh Phác lúc đó dạy học ở Hà Đông. Trong một lần gặp gỡ, Th. và Nguyễn Mạnh Phác cũng có những tình cảm quý mến nhau. Tuy nhiên cũng chỉ có thế.
Rồi Phác thôi dạy học ở trường Hà Văn, ra Hà Nội làm báo Ích Hữu, rồi nhà in Lê Cương. Th. thỉnh thoảng cũng có ra Hà Nội cất ảnh, nên 2 người vẫn gặp nhau. Tuy nhiên Th. là người con gái đã có chồng cho nên tình cảm dù thế nào cũng không thể tiến xa được.
Một lần Nguyễn Mạnh Phác hỏi Bính: Mình phải làm cái bút danh, chứ cứ ký mãi cái tên Mạnh Phác cũng chẳng hay lắm. Bính có ý kiến: Có chị Trúc, rồi thì lấy bút danh của anh là Trúc Đường. Sau đó Bính có làm thêm bài thơ “Chị đã ghen” trong đó có câu:
“Buồn không trang điểm, buồn không nói
Ai đã làm cho chị Trúc buồn”.
Chuyện về chị Trúc cuối cùng cũng qua đi. Chính Bùi Hạnh Cẩn trong một lần vào Hà Đông có gặp Trúc. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Trúc vẫn còn khóc, nhưng rồi sau này Trúc vẫn sống yên ổn với chồng.
“Thế trong bài thơ “Người con gái ở lầu Hoa” có nhắc đến tên một người con gái ở dưới gốc cây mai trắng. Ông có biết cô gái này có thật không?”.
Cụ Cẩn thong thả đứng ra ngoài phía cửa sổ nhìn lên cây khế lúc này đang đơm hoa, đôi mắt dường như nhắm lại. Có lẽ dòng suy tư của cụ đang trôi về mấy chục năm trước. Rồi cụ như chợt bắt được những hình ảnh bấy lâu nay đã trở thành quá khứ quá lâu rồi: “Đúng rồi. Cô Tú Uyên. Nhưng tên thật của cô ấy là Tuyên chứ không phải Tú Uyên”. Trong bài thơ có đoạn:
“Nhà nàng ở gốc cây mai trắng.
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh”.
Tú Uyên tên thật là Nguyễn Thị Tuyên, em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp (tác giả truyện “Ngoại ô”) ở đầu phố Bạch Mai, giáp phố Huế, Hà Nội. Bùi Hạnh Cẩn lý giải: Tuy nhiên không phải là Nguyễn Bính với cô Tuyên 2 người yêu nhau mà đó có thể chỉ là một cái tên hay bóng dáng người con gái, một hình ảnh để Bính làm thơ.
Thưở học trò có một bài thơ mà rất nhiều học sinh thuộc là bài “Học trò trường huyện”, trong đó có câu: “Học trò trường Huyện ngày năm ấy/ Anh bằng tuổi em, lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đầu đội chung một lá sen tơ”.
Vậy có một nữ sinh trường huyện nào ở đây để Nguyễn Bính cảm rồi làm thơ không?
À, bài thơ này cũng có xuất xứ đấy. Cô gái trong bài thơ có tên là Thi, con một ông ký rượu ở phố huyện Vụ Bản. Từ xóm Trạm nhà Bính tới trường xa chừng 2km và phải qua một cái hồ sen. Thi người nhỏ nhắn, xinh xắn, hay mặc áo chùng the đen, đi guốc gỗ. Có lẽ vào khoảng năm 1929, 1930.
Thỉnh thoảng Bính khi tới trường về nhà đi cùng đường qua cái hồ sen với Thi. Có lẽ vì thế mà làm bài thơ “Học trò trường Huyện”. Về sau Thi lấy chồng. Đám cưới thuê mấy chục chiếc xe tay kéo từ phố Huyện về xã Trang Nghiêm, đường qua xóm Trạm nhà Bính. Chính vì thế Bính mới viết “Quan Trạng đi tám lọng vàng. Cờ bay tám lá qua làng Trang Nghiêm”.
Có một người con gái với dáng vẻ kiêu sa, nhưng bí ẩn thấp thoáng xuất hiện trong bài thơ “Hoa với rượu”. Người đọc chỉ biết có đúng một chữ “Nhi”. Vậy “Nhi” có thật không?
Bài thơ “Hoa với rượu” Nguyễn Bính viết năm 1941 lúc đang ở Huế và có lời đề tặng “Tặng Hạnh Cẩn”. Bính gửi cho tôi bài này bởi cả tôi và Bính đều rất biết về nhân vật Nhi trong bài thơ. Nhi hay còn gọi là Diễm là một cô gái người xóm Đình, thôn Vân.
Từ những năm 15, 16 tuổi, Diễm đã nổi tiếng đẹp quanh vùng. Tóc dài đen, da trắng mịn, môi luôn nở nụ cười xinh, dáng người thon thả. Hầu hết cánh trai làng đều chết mê, chết mệt. Thời gian ở thôn Vân, Bính thường trò chuyện với Diễm và một số cô gái khác làng.
Diễm có một người chị gái tên là L. cũng rất xinh. Sau này khi Bính gửi cho tôi bài thơ “Hoa với rượu”, sau khi ở miền Nam ra tôi có gặp Diễm ở Hà Nội. Hồi đó tôi hiểu rằng Bính rất có tình cảm với Diễm. Nhưng vào thời đó, còn nhiều ràng buộc, định kiến nên tình cảm đó rồi cũng qua đi.
Hình ảnh Diễm sau này xuất hiện trong khá nhiều bài thơ hay của Nguyễn Bính như bài “Gái xuân” có câu “Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không”, hay bài “Đường làng” có câu “Lá tre rơi xuống đường làng. Lá tre rơi xuống vai nàng đi qua…”. Bùi Hạnh Cẩn dừng lại một lát rồi ông đọc một câu trong “Hoa với rượu”:
“Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh
Tôi đi gian díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men cay rượu ái tình”.
Rồi cụ Cẩn tìm tòi lục mãi trong đống hồ sơ cũ lấy cho tôi xem một bản tranh chữ. Đó là bản “Hoa với rượu” hoạ bài thơ “Hoa với rượu” của Nguyễn Bính tặng. Nếu thoạt nhìn người xem sẽ rất khó đoán ý của tác giả định vẽ cái gì, nhưng nhìn thật kỹ mới thấy đó là cách điệu của một bình rượu và một cánh hoa đang rơi xuống.
Trong nhiều bức tranh chữ mà cụ Cẩn hàng ngày thường vẽ, có khá nhiều tranh đều lấy tứ từ các bài thơ của Nguyễn Bính.
Thưa ông. Vậy hồi Nguyễn Bính mất, ông có về dự đám tang được không?
Rất tiếc lúc đó tôi không về dự được. Nhưng sau này thỉnh thoảng tôi vẫn về thôn Vân. Bây giờ thôn Vân đã khác rất nhiều so với thời của tôi và Bính rồi. Tôi cũng đã cất công đi tìm rặng mùng tơi mà Bính đã từng viết trong bài thơ “Người hàng xóm” có câu thơ:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn“, nhưng bây giờ rặng mùng tơi không còn nữa. Giếng nước khơi, nhà mái tranh… cũng không còn nữa, thay vào đó là nhà mái bằng, có điện, tivi… Và tất nhiên những cô gái trong thôn Vân đã từng xuất hiện trong thơ của Bính chắc giờ nếu còn sống thì cũng đã như tôi bây giờ.
Nhưng thơ của Bính thì có một sức sống thật diệu kỳ. Cách đây ít năm, có lần tôi về thôn Vân, qua bến đò bỗng nghe một bà lão đã ngoài 70 tuổi du cháu ngủ bằng bài “Lỡ bước sang Ngang” của Nguyễn Bính mà không hề lỗi một câu nào. Tôi xúc động đến lặng người.
Nguồn Dân trí