Tâm đối Tâm
Có nhiều thứ trên đời, trông vậy mà không phải vậy. Có lúc hành động trông rất thiện lành nhưng cái tâm đằng sau thì không lành chút nào. Hoặc ngược lại, hành động trông rất ngược đời nhưng cái tâm thì lại cực sáng.
Ở đời, người trông tốt cũng chưa hẳn tốt, mà người trông xấu cũng chưa hẳn xấu. Chẳng qua, khi nhìn qua đôi mắt đầy bụi của chúng ta thì nó tạo nên ‘thế gian’ khác nhau ở từng người.
Thế giới thì chỉ có MỘT, nhưng khi thông qua các giác quan hay lục căn (nghe, thấy, ngửi, nếm, chạm, ý) của chúng ta thì nó ra một thế gian hoàn toàn mới, không ai giống ai, nên nói vạn pháp duy tâm tạo là như thế.
Nên nhìn người ở đời, cái gốc vẫn là nhìn tâm họ thế nào, chứ nếu chỉ quan sát hiện tướng của hành động thì rất khó để nói họ đang làm với tâm gì. Mà để thấu được tâm người khác thế nào thì anh em phải thấu được tâm của chính mình trước đã.
Tâm mình phải lắng xuống, phải trong suốt, phải thanh khiết thì mình mới cảm được, mới đối được, cái tâm của đối phương là gì.
Tâm chúng ta còn ồn ào, còn lăng xăng, còn phóng dật quá thì cả tâm mình còn chưa nghe được thì làm sao nghe được những âm thanh trong tâm ở người khác. Nó giống như khi tôi nói chuyện điện thoại với anh em, nhưng xung quanh anh em quá nhiều tạp âm, rồi nhiều thứ gây ồn ào quá thì làm sao anh em nghe rõ được tôi đang nói gì. Nên cái cốt, là để thấy được cái tâm người thì cái tâm mình phải vắng lặng trước đã.
Cùng một hình tướng nhưng cái tâm sau đó lại khác nhau. Như việc người cha đánh con, có người cha đánh con vì thương nó, để nó chừa, để nó sợ thì không dám làm xấu nữa, đánh nó đau mà lòng mình còn đau hơn. Nhưng cũng có người cha đánh con vì ghét bỏ nó, đánh để thỏa cơn sân hận trong lòng. Một hành động nhưng 2 cái tâm hoàn toàn khác nhau.
Hồi đó, tôi quen một cặp vợ chồng, chuyên đi kêu gọi từ thiện, ban đầu tôi thấy họ rất nhiệt thành trong việc đi chia sẻ với những người khó khăn… nhưng sau này, họ dùng chính sự nổi tiếng từ việc kêu gọi từ thiện đó để bán những sản phẩm và dịch vụ khác, rồi sử dụng chính lòng thương của những người đang tin tưởng mình để kinh doanh những sản phẩm không chất lượng, chưa kể vay mượn tiền khắp nơi dưới vỏ bọc đi từ thiện.
Việc làm thiện dưới động cơ để làm một việc khác không thiện, thì cuối cùng tất cả đều bất thiện… vì ngay từ ban đầu cái tâm đã không sáng rồi.
Cái này thì ở đời rất nhiều, cạo đầu, đi tu, mặc áo tu, ăn chay chỉ là Tướng tu… chứ chưa phải Tâm tu. Tu thân là tu ở cái Tâm.
Thiện ác ở đời, tuy rõ biết là quy luật, có thiện ắt có ác, có tốt ắt có xấu, đã nhị nguyên thì phải có ngày, có đêm thôi… Người nào hiểu luật chơi và uyển chuyển được theo dòng chảy thì đỡ phiền hà cái tâm của mình thêm.
Tôi nói là nói tương đối chuyện ở đời, vì chúng ta còn dùng thân mạng này để trải nghiệm thì bắt buộc vẫn phải sống trong thế giới nhị nguyên… còn chuyện, cái thấy của ta đã bước ra khỏi nhị nguyên hay chưa thì câu trả lời ở từng người.
Nói thêm chuyện tâm đối tâm, có lẽ tôi có phước, vì cái tâm tôi nó khá nhạy khi có những cái tâm khác đến gần tôi với động cơ xấu.
Thường là tôi cảm được ngay cái mục đích họ đến để làm gì, họ đang dùng tâm gì để đối đãi với tôi vào lúc đó. Xưa giờ thì tôi né được rất nhiều ca… dù lời mời gọi ban đầu rất hấp dẫn, rất chân thành… khá nhiều người sập nhưng tôi lại thoát. Tôi không nghĩ do mình giỏi, mà do tôi có nhân quả tốt, có phước, nên đúng ngay lúc ra quyết định thì tâm tôi có tý sáng ngay lúc đó.
Thế giới thì muôn màu muôn vẻ, có người này, có người kia, nhưng nếu chịu khó quan sát thì tận cùng của cái thế giới hữu vi này lại chính là vô vi. Dùng được cái tâm vô vi để nhìn cảnh hữu vi thì đó là điểm đến cuối cùng của ‘tâm đối tâm’.
Nói cho cùng, tuy chúng ta đang sống những cuộc đời khác nhau, có hình tướng và cảnh sắc khác nhau, nhưng sự thật thì tất cả đều có chung một điểm đến. Đó là hiểu thêm về chính mình, thấy rõ hơn về cái tâm này… rốt cuộc, nó cũng hữu vi, cũng sinh diệt, không kém gì cảnh sắc bên ngoài.
Mắt còn nhiều bụi, thì làm sao nhìn thấu được hồng trần.
sưu tầm