BIỆT DANH VUI CỦA PHÙNG QUÁN

Bộ tiểu thuyết 3 tập “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán sau khi được in năm 1988 đã gây tiếng vang lớn. Đến nay, nhiều người vẫn giữ nó làm cuốn sách gối đầu giường. Cuốn tiểu thuyết này không chỉ được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà còn được dựng thành phim và bộ phim này cũng được giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam.


Từ năm 22 tuổi (1954), ông đã viết nên bài thơ nổi tiếng “Hôn”. Bài thơ này được các chàng trai, cô gái rất yêu thích và thường chép vào trong những lá thư tình nồng thắm gửi người yêu: “Trời đã sinh ra em/Để mà xinh mà đẹp/Trời đã sinh ra anh/Để yêu em tha thiết. Khi người ta yêu nhau/Hôn nhau trong say đắm/Còn anh, anh yêu em/Anh phải đi ra trận/ Yêu nhau ai không muốn/Gần nhau và hôn nhau/Nhưng anh, anh không muốn/Hôn em trong tủi sầu…”.

Khi rời khỏi quân đội, vợ làm giáo viên, gia cảnh Phùng Quán lúc ấy rất nghèo. Cái tích “Cá trộm, văn chui, rượu chịu” cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên ông thường câu trộm cá ở đấy để thêm vào những bữa ăn gia đình. Phùng Quán lại hay rượu, là con nợ kinh niên của nhiều chủ quán rượu quanh hồ.

Ông kể có một lần, có chàng thủy thủ tàu viễn dương đến nhà “tán” cô con gái rượu xinh đẹp của ông, đã để lại biếu ông một nửa gói thuốc ba số 5, ông đã phải mang ra quán đổi lấy… rượu uống được mấy ngày liền.

Không chỉ nổi danh bởi những bài thơ, tiểu thuyết để đời như Tuổi thơ dữ dội, Hôn, Vượt Côn đảo… và những giai thoại xung quanh biệt danh “Cá trộm, văn chui, rượu chịu” mà Phùng Quán còn “để đời” với giai thoại về vợ.

Vợ của nhà văn Phùng Quán là bà Bội Trâm, là giáo viên trường Chu Văn An. Hồi Phùng Quán vào Huế viết tập 3 cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” nhiều tháng liền không gửi thư về nhà, bà Bội Trâm nhớ chồng quá liền viết thư gửi vào Huế nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tìm giúp.

Nhưng lúc ấy Phùng Quán đã du xuân vào tận TP.Hồ Chí Minh vài tháng sau mới trở ra Huế. Sau khi đọc bài thơ của vợ gửi:

“Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ

Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ

Bao giờ điếu lại reo êm ái

Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ”

thì Phùng Quán bỗng tủm tỉm cười rồi nhờ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế, lên tàu về Hà Nội./.

(sưu tầm)

Bình luận Facebook