NHỮNG NGÀY ĐÃ CŨ

Khi thấy cuộc thi, tôi băn khoăn, mình sẽ kể về ai, bởi dân số thế giới hiện tại là vào khoảng 7.7 tỉ và mỗi người là một cuộc đời- một câu chuyện. Mà tôi- một đứa 21 tuổi, sống ở nhiều nơi và gặp nhiều người nên tôi được xếp vào thể loại “nhiều chuyện”. Vì vậy, tôi quyết định làm một cuộc hành trình “trong nhà ra phố” để kể về những cuộc đời mà tôi đã nghe, đã thấy, đã suy ngẫm.

 

***

Thằng em út nhà tôi, nhớ ngày nào nó mới sinh ra, hôm ấy, trường tôi khai giảng, xong lễ tôi ghé qua trạm xá thăm mẹ và nó. Với cái nhìn của một đứa lớp 7 thì eo ôi, em bé chẳng xinh tẹo nào cả, mặt thì đỏ chét, tôi lấm lét ngồi kế bên mẹ và nhìn nó. Vậy mà giờ nó đã lớp 4 rồi, còn có những tuyên bố hùng hồn rất người lớn: mai mốt con không lấy vợ đâu, lấy vợ về mất công chở đi mua sắm, đi đẻ đồ mệt lắm. Mà mai mốt con không làm ông này bà nọ đâu, làm cái gì mà ăn được, ví dụ như bán bánh bao, bán 2 cái thôi, còn 8 cái để lại ăn.

Đôi lúc chết cười với nó, chưa kể, nó còn là một fan cuồng chó mặt xệ, à không, chó nào cũng cuồng,đó chính là lí do nhà tôi hiện tại có những 11 con chó. Đi học mẹ cho tiền để ăn bánh, nó không ăn, chừa tiền, khi ba đón về thì kêu ba ghé chợ, mua cá về nấu cháo cho chó. Đó, đó là thằng em út nhà tôi, lớp 4, “người lớn” và mê chó.

Thằng em thứ hai thì cách tôi 5 tuổi, hồi bé, ba mẹ đi làm, hai chị em ở nhà,tôi nhớ là cãi nhau suốt, à không, là tôi hay kiếm cớ la nó, vì nó toàn im lặng, thằng này mãi tới năm 3 tuổi hơn nó mới biết nói, bởi vậy mà mấy bác trong xóm cứ hay ghẹo nó là Thánh Gióng. Bẵng cái mà giờ nó đã lớp 11 rồi, cũng không nói nhiều hơn là mấy, nhưng được cái cao lớn, “thân hình vạm vỡ”, nhờ có nó, mà đôi lúc tôi suy nghĩ hình như mình thuộc thể loại thấp còi, suy dinh dưỡng hay sao í. Theo thời gian nó chững chạc, biết suy nghĩ cho ba mẹ, biết nấu nướng, khác hẳn với thằng nhóc năm xưa lúc nào cũng lẽo đẽo theo tôi, gào lên: chị 2 ơi nấu cho em gói mì, em đói bụng !!!!

Nếu đã từng trồng cây, chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác thú vị khi nhìn cái cây lớn lên từng ngày, từng ngày, và cái cảm giác chứng kiến một con người, lớn lên, lớn lên theo từng năm tháng thì nó thú vị gấp bội lần.

Nhưng, cảm giác ngược lại là, đứng dưới nơi mà trước đây có cái cây mà đã cùng bạn đi qua thời thơ ấu, chứng kiến bao cuộc cãi vã của lũ trẻ con, những sáng “buôn gánh bán bưng” trong trò chơi đồ hàng, vì già cỗi, cộng thêm cơn bão đêm qua mà ngã xuống, và người ta đã dọn nó đi. Thật sự, cảm giác lúc ấy trơ trội y như chổ trống còn lại trên mặt đất. Đó cũng là lúc tôi có thật nhiều suy nghĩ: phải chăng, mình đã sống rất lâu, lâu đến nỗi đủ để chứng kiến vạn sự ở đời, và ở đời thì sinh, lão, bệnh, tử là chuyện hiển nhiên.

Ông ngoại tôi mất năm tôi học lớp 5, khi bé còn dạy tôi bài vọng cổ, hát ngêu ngao, mặc dù tới giờ tôi không thể nhớ nổi bài hát tên gì, chỉ thuộc được vỏn vẹn câu đầu tiên:” cuộc chiến tranh nào cũng mang lại nhiều mất mát…”. Vậy mà kí ức về ông vẫn nguyên vẹn. Tôi còn nhớ bữa cơm nào có ông cũng không dám hó hé, bưng chén cơm lên khỏi bàn, múc từng muỗng thật gọn gàng, khi nào ông có nhà là tôi vọt sang nhà hàng xóm chơi, cứ sợ ở nhà lạng quạng là bị ông la,

Hồi xưa, nhà ngoại trồng hành, trồng hẹ, thường thì hè chúng tôi mới được về quê ngoại chơi và nhiệm vụ cao cả được giao cho anh em chúng tôi: nhổ hành, nhổ hẹ đem vào nhà, rồi ngồi nhặt mấy lá úa ra, bó lại từng bó. Thế mà cả một thời gian tôi ghét ăn hành, ăn hẹ, “nhìn nó hoài nên con hết muốn ăn”. Ấy vậy chứ giờ lại thèm, lại nhớ. Năm tôi thi đại học,bà ngoại tôi bệnh, tôi dành cả hè năm 12 để về ở với ngoại, dì dượng bận việc cơ quan nên tôi được phân công trọng trách giữ ngoại. Tôi hứa với ngoại: “Ngoại ráng khoẻ, mai mốt con học bác sĩ xong về con chữa bệnh cho ngoại nha” Thế nhưng, giờ bác sĩ sắp ra trường còn bệnh nhân thì đã không chờ đợi được.

Đó, thời gian khắc nghiệt như vậy đó, nó đem đến nhiều thứ nhưng cũng lấy đi không ít, chẳng hạn như nó đã lấy mất của tôi: ông ngoại, bà ngoại,.., và những người tôi sắp kể dưới đây.

Ông cụ tư, ông cụ sáu trong xóm, lúc bé hay cho tôi khi thì cái bánh, khi thì cục kẹo, rồi cậu họ của tôi, hồi bé hay cõng tôi vòng quanh khắp xóm, rồi cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp 1 và lớp 3, hay ăn dầm nằm dề nhà cô, rồi bác gần nhà, có biệt danh ông 3 thời sự, tại mỗi lần bác ghé nhà tôi là cả buổi mới về được. Họ- những người họ lần lượt ra đi…

Phương Tây có câu: “trên đời chỉ có hai loại người: người đang chết và người đã chết”.

Quả là đúng thật. Ai rồi cũng đi đến điểm cuối cùng trên một đoạn thẳng. Nhưng cái sự thật hiển nhiên ấy cứ làm những con người “đang chết” như tôi suy nghĩ mãi. Ôi, đời người thật ngắn ngủi, thật vô thường, sống nay, chết mai. Nhưng, có lẽ, sống không cần phải quá lâu, chỉ cần sống đủ sâu là được.

Bởi vậy, một câu chuyện cuộc đời, không cần viết quá dài, chỉ cần viết “đủ” là được.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, bởi vậy sống đủ, sống sâu với mỗi người một khác.

Trong xóm tôi có chị G., chị quê ở Long An, tôi nghe kể xưa chị là cử nhân ngành điện lực, rồi chị theo chồng về Bình Phước ( quê tôi đó), làm bạn với cao su, cà phê, tiêu điều, làm bạn với những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm bạn với con đường đất sình lầy và những đứa trẻ nghèo khó. Từ hồi có chị, xóm tôi khác hẳn. Trung thu, lũ trẻ có hẳn một đêm phá cỗ hoành tráng, có bánh kẹo, có “chị Hằng” cùng chúng nhảy múa, hát hò. Đường chổ nào sình lầy hay ngập nước thì nay được lấp lại, dễ dàng đi lại hơn. Rồi lâu lâu những gia đình khó khăn hay dân tộc thiểu số sẽ được phát quần áo, gạo hay bánh kẹo,… chị như Bụt phiên bản nữ của xóm tôi.

Cấp 3, học xa nhà nên tôi ở kí túc xá, chính tại nơi đây, tôi mới trở thành người “nhiều chuyện”: gặp nhiều người,biết nhiều câu chuyện.

Thầy quản lí kí túc xá của tôi, rất nghiêm khắc, nhưng, chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra: sau vẻ nghiêm khắc đó là một người cha rất yêu thương, luôn hi sinh và dành những điều tốt đẹp cho đám con nghịch ngợm lên tới mấy trăm đứa. Thầy thức tới 12 giờ đêm để nhắc nhở chúng tôi đi ngủ đúng giờ. Thầy còn dành thời gian để xếp những đôi dép chúng tôi để bừa bãi, quét những cái lá mà nhóm trực quên dọn, dành hàng giờ để nhắc nhở, dạy dỗ chúng tôi.

Rồi thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường với câu nói lưu truyền các thế hệ: “theo năm tháng, ngôi trường này có thể cũ đi vì mưa nắng nhưng không thể xuống cấp vì sự thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức của con người”

Rồi thầy chủ nhiệm năm lớp 10 của tôi, người đã dạy chúng tôi suốt 3 năm, người mà dành những buổi tối để lên kí túc xá xem chúng tôi ăn, ở, học hành ra sao. Những gì chúng tôi có được của ngày hôm nay, một phần là nhờ sự giúp đỡ của thầy.

Lên đại học, xa nhà hơn nữa, và tôi gặp nhiều người hơn nữa…

Bác bảo vệ kí túc xá tốt bụng, điện hư, nước hỏng đều nhờ mấy bác sửa dùm.

Học y, phần lớn thời gian tôi ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tôi lại thu thập thêm nhiều câu chuyện cuộc đời.

Anh A. năm nay 25 tuổi, sự nghiệp công danh đang trên đường phát triển, bỗng phát hiện ra mình bị ung thư gan, anh suy sụp và tinh thần xuống dốc không phanh.

Chị B có gia đình năm ngoái, mới sinh được 1 bé gái, đi khám tổng quát và phát hiện ung thư dạ dày, em gái chị lại mới mất vì ung thư máu. Chị chia sẻ: giờ chị không nghĩ được gì được em ạ.

Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi cuộc đời là một câu chuyện, có thể buồn, có thể vui, có thể buồn với cái nhìn của người ngoài cuộc, nhưng người trong cuộc lại cảm thấy hạnh phúc, cũng có thể vui với cái nhìn của người ngoài cuộc, nhưng người trong cuộc lại đau khổ, chán chường. Như bác Ánh viết: “Trẻ con chẳng có mơ ước gì cao xa. Nhờ vậy bọn trẻ không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn. Người lớn cũng biết thế nên họ tự đặt ra các câu danh ngôn để tự răn mình. Lớn lên tôi đọc được câu “tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc” – “biết đủ thì ắt thấy đủ, còn đợi cho đủ sẽ chẳng bao giờ thấy đủ”. Câu nói rất hay (người lớn bao giờ cũng nói hay) nhưng sau khi gật gù khen hay, người lớn thường làm ngược lại.”

Bởi thế, cuộc đời, vui hay buồn, tuỳ người cảm nhận.

Câu chuyện tiếp theo, tôi không định kể, muốn giữ nó cho riêng mình, nhưng chợt cảm xúc ùa về nên tôi quyết định chia sẻ ở đây.

Hôm nay tôi gọi về cho cô giáo cũ, cô nói ba có ra thăm cô. Sao cô thấy ba nay già nhanh quá con, nước da không còn như mấy năm trước. Chỉ câu đó thôi mà tôi rơi nước mắt. Cô còn kể: Bữa chủ nhật ba ra, mà nhìn cái xe rồi nhìn ba cô thương gì đâu. Ba bảo nay trong xóm có đám cưới. Người ta cày cái đường lên lầy quá. Rồi ba cười hề hề, mà em đi hoài nên quen rồi .Tự dưng nhớ đến mấy năm trước, bữa đó lần đầu tiên ra nhà cô học thêm ( cô dạy trường cấp 2 khác, thầy chủ nhiệm dẫn tôi ra nhờ cô ôn Văn cho tôi thi chuyên. Cô cũng lớn tuổi rồi. Mấy bạn lớp cô dạy hay gọi cô là bà. Nhưng tôi vẫn thích gọi cô, xưng con hơn ), hôm đó cô kêu mình làm thử một bài kiểm tra đầu vào coi như thế nào rồi cô mới nhận. Lúc làm xong. Cô cũng nói về ba. Ba con rất vĩ đại. Chở con đi 15km để học rồi lại đi 15km để đón con về. Qua tiếp xúc với ba con cô rất thích: Ba con hiền khô, chu đáo, thương vợ thương con. Chỉ nhớ là lúc đó tôi khóc. Khóc tỉnh lụi. Cô bảo: mày mít ướt quá vậy con. Cô càng nói tôi càng khóc.

Rồi những năm sau, lần nào ra gặp cô, cô cũng tấm tắc khen ba. Cô cứ bảo ba con chu đáo quá. 20-11 rồi tết nào cũng ra thăm cô. Cái nghĩa cái tình quý gì đâu.

Cuộc điện thoại dài 6 phút 57 giây. Cô kể về ba. Rồi cô dặn dò. Thế Linh có người thương chưa? Thôi từ từ rồi yêu. Cô nghĩ nếu được thì con học xong rồi học luôn thạc sĩ. Làm cái lèo. Rồi về đâu đó ổn định rồi thương ai rồi cưới luôn. Chứ mai mốt mày đi mất tiêu rồi sao cô nhờ được. Cô dặn dò mình đủ thứ . Chợt nhớ đến lớp học đặc biệt vỏn vẹn ba tháng. Sáu năm sao mà nhanh quá cô nhỉ?

Câu chuyện mang tính chất khoe khoang rằng tôi thật hạnh phúc vì phía sau tôi luôn có những con người tuyệt vời như ba, như cô.

Tôi chưa già, nhưng dường như suy nghĩ đã già. Tôi hay nghĩ, hay hoài niệm, nhưng nhờ vậy mà tôi thấy mình thật hạnh phúc. Cuộc đời của một người, nhờ có sự xuất hiện của những cuộc đời khác mà hạnh phúc, thú vị hơn. Một câu chuyện cuộc đời, dù dài hay ngắn đều có ý nghĩa của nó. Hãy sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn để câu chuyện cuộc đời mình và những người xung quanh thêm thú vị nhé!

Linh Y

Bình luận Facebook