ẢNH BÁC
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020). Kết nối cảm xúc xin giới thiệu bài thơ “Ảnh Bác” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.
ẢNH BÁC
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau quét bếp đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em
1966
Trần Đăng Khoa
Đại biểu học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ Tịch (Tháng 5 năm 1956).
Lời bình:
Năm 1966 của thế kỉ 20, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa mới tròn 8 tuổi đã viết nên bài thơ “Ảnh Bác”. (Trong bối cảnh đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền bắc với quy mô lớn, bom và đạn cùng lúc trút xuống hai miền Tổ quốc ta). Bài thơ Ảnh Bác như một chứng tích lịch sử khắc sâu vào lòng người đọc về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ta quen gọi với hai từ gần gũi, ấm áp, thân thương là Bác Hồ. Người là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam chúng ta qua mọi thời đại.
Mở đầu bài thơ cậu bé Khoa đã phác họa nên nét đặc trưng của những ngôi nhà ở nông thôn ngày đó, thời mà vào bất kì nhà nào chúng ta cũng bắt gặp: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi.” Một hình ảnh bình dị tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày của hàng triệu triệu người dân Việt Nam biểu hiện lòng biết ơn và tôn kính của mình đối với Tổ quốc, với vị lãnh tụ kính yêu. Người đã đưa lại cho họ tự do, ấm no và hạnh phúc. Tấm ảnh Bác Hồ trang trọng treo trên tường nhà đã chụp được cả thần thái của vị lãnh tụ kính yêu. Khoảng khắc diệu kì đó là nụ cười rạng ngời hiền hậu nhân từ trên nét mặt của Bác. Nụ cười rạng ngời ấy bắt nguồn từ ánh mắt yêu thương và nhà thơ nhí Trần Đăng Khoa cũng không bỏ lỡ cơ hội ấy chớp lấy khoảng khắc hiếm hoi đó triển khai tứ thơ của mình theo nhiều chiều liên tưởng: “Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà.” Một câu thơ viết ra tự nhiên như lòng con trẻ nhưng lại nêu bật lên được hình ảnh Bác Hồ thật giản dị, gần gũi thấm sâu vào tận cõi lòng của mỗi người dân Việt Nam nhất là với các cháu thiếu nhi. Hai câu thơ tiếp theo mở ra với sự mô tả hình ảnh chân thực, sống động cảnh vật nơi sân, vườn làng quê: “Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài vườn có mấy quả na chin rồi.” Để từ những con gà đang đi lại ngoài sân đó một chiều liên tưởng mới, một tư duy thơ mới đầy chất suy ngẫm lại xuất hiện: “Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi.” Câu thơ gần như nhắc lại trọn vẹn những gì mà cha mẹ hay người lớn trong nhà thường nhắc nhở cậu bé Khoa mỗi khi họ vắng nhà: Đó là không đi chơi xa, phải ra hầm trú ẩn mỗi khi tàu bay Mỹ đến hay “người nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình” như lời Bác Hồ căn dặn các cháu thiếu nhi. Bé Khoa đã vận dụng ngôn ngữ dân giã thường gặp chuyển tải, nâng tầm những suy tưởng đó thành lời căn dặn của Bác Hồ để đạt được mục đích sâu xa hơn nhắn nhủ với mọi người rằng Bác Hồ mãi luôn gần gũi ấm áp với người dân Việt Nam, gửi gắm đến bạn đọc nhỏ tuổi thời đó hình ảnh Bác Hồ người được ví như cha già của dân tộc. Ngay cả hai từ “tàu bay” hay “máy bay” em đã chọn lọc có chủ đích và sử dụng từ “tàu bay”như cách gọi của người xứ Nghệ quê hương Bác, một âm tiết dân dã hơn với mọi người.
Bài thơ Ảnh Bác được mở ra với: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ” và khép lại với hai câu kết: “Bác lo bao việc trên đời/ Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em.” Một bài thơ lục bát ngắn nhưng có cấu trúc chặt chẽ. Thông điệp mà thần đồng thơ Trần Đăng Khoa muốn chuyển tải đến với các em, với bạn đọc đã hoàn thành một cách mĩ mãn. Em đã đạt được cái đích mà em muốn nói tới đó là sự quan tâm của Bác Hồ tới tất cả mọi người dân trong đó có các em thiếu nhi. Một cái kết trọn vẹn của một bài thơ lục bát “nhuyễn” được viết ra khi thần đồng thơ Trần Đăng Khoa mới lên tám tuổi.
Theo Vhnt Hà Tĩnh