Cuối năm ngồi ngẫm lại cuộc đời: Cứ sống chết vì tiền chúng ta có bao nhiêu ngày thực sự dành cho bản thân?

Cuối năm ngồi ngẫm lại cuộc đời: Cứ sống chết vì TIỀN, chúng ta có bao nhiêu ngày thực sự dành cho bản thân?

Cuộc đời con người có thể vì tiền mà “vào sinh ra tử”. Vất vả nửa đời chính là vì mong muốn tích góp nhiều tiền tài, vật chất hơn nữa để có thể nâng chất lượng sinh hoạt lên một độ cao khác. Thế nhưng, đồng thời tiền tài cũng tựa như xiềng xích, lòng tham là nấm mộ chôn vùi bản thân. Chúng ta càng để đồng tiền, danh lợi, vật chất chiếm đoạt bản thân lại càng đánh mất tất cả. Cuối cùng chỉ là công dã tràng, không còn gì trong tay.

Đó chính là lý do mà cổ nhân có câu: “Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong”, tức là “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”. Câu nói này bắt nguồn từ một điển tích xa xưa kể lại rằng:

Thời cổ đại, có một thanh niên tên là A Tam chẳng biết làm gì, chỉ suốt ngày ăn rồi lại nằm, mong chờ cuộc đời không làm mà hưởng, tiền tài từ trên trời rơi xuống.

Một con chim hung ác gần đó biết chuyện, nửa đêm tìm đến nhà A Tam và nói rằng: “Chẳng phải ngươi muốn được giàu có chỉ trong 1 đêm sao? Ta sẽ giúp ngươi.”

A Tam vội vàng hỏi: “Mi chỉ là một con chim thì có thể giúp ta kiểu gì?”.

Con chim hung ác trả lời: “Ở xa ngoài khơi có một hòn đảo, trên đảo toàn là vàng. Chỉ cần mỗi ngày ngươi trả cho ta 1 con dê để ăn no bụng, ta có thể đưa ngươi bay đến đó nhặt vàng về”.

Cuối năm ngồi ngẫm lại cuộc đời: Cứ sống chết vì tiền chúng ta có bao nhiêu ngày thực sự dành cho bản thân

A Tam không cần suy nghĩ gì nhiều đã nhanh chóng đồng ý, leo lên lưng con chim để nó chở mình bay qua núi cao, lướt qua biển rộng, cuối cùng đặt chân tới một hòn đảo được trải vàng óng ánh, dõi mắt nhìn không thấy điểm cuối là đâu. Trước khi thả A Tam xuống, con chim nói: “Ngươi nhất định chỉ được ở lại trên đảo khi màn đêm còn buông xuống. Ngay khi mặt trời vừa lên, chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi”.

Nói rồi, nó thả A Tam xuống đất. Tuy nhiên, số vàng khổng lồ trước mắt khiến anh ta quên luôn lời dặn của con chim. Ba lần bảy lượt thúc giục mà A Tam vẫn không chịu đi, thế là con chim lập tức bỏ lại anh ta để bay vút đi. Ngay lúc đó, mặt trời nhô lên, A Tam lập tức bị lửa thiêu cháy.

Về phần con chim, nó tức tối vì đã mất công mất sức bao nhiêu, nhưng kết quả lại không được gì. Thế là đêm xuống, nó lại trở về hòn đảo, lấy thi thể A Tam làm bữa tiệc lớn nhưng vì mải ăn, lần này đến lượt nó quên mất thời gian, cuối cùng rơi vào kết cục không khác gì anh ta vào sáng hôm sau.

Vậy nên người ta mới dùng câu nói “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn” để cảnh tỉnh thế nhân đừng để danh vọng, tiền tài và vật chất che mờ đôi mắt, buông thả ham muốn vô độ, cuối cùng đánh mất chính mình.

Ngày nay, cuộc sống tràn ngập cám dỗ lại càng khiến chúng ta dễ dàng sa ngã, chấp nhận đánh đổi rất nhiều nguyên tắc, quy định và phẩm hạnh chỉ vì một món lợi ích. Vì làm giàu, thương nhân có thể bất chấp thủ đoạn trong cạnh tranh, chỉ tập trung vào lợi nhuận thu về. Khi chữ “Tài” chiếm mất vị trí đầu tiên trong lòng người thì ngũ thường của người quân tử là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín tự nhiên cũng không bị xem nhẹ.

Một người đàn ông trụ cột gia đình thường phải gánh trọng trách kinh tế trên vai, cung cấp và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cả gia đình. Nếu kiếm được ít, người ta có lý do để coi thường. Tự bản thân người đó cũng sẽ cảm thấy mất mát, tự ti và chua xót chán nản trước cuộc đời. Do đó, áp lực phải làm giàu cũng trở nên nặng nề gấp bội.

Đời xưa đã có câu “Quân tử ái tài”, đời nay cũng chẳng có ai không yêu tiền, không muốn ở nhà đẹp, không muốn đi xe sang, không muốn ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý đầy nhà. Thế nhưng, nếu cứ một mực nắm giữ những thứ không thuộc về mình, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thực sự sở hữu hạnh phúc.

Vàng bạc châu báu chỉ như thêu hoa trên gấm, có thì tốt đẹp, không có cũng chẳng ảnh hưởng gì tới đời sống thực tế của mỗi người. Đôi khi, nếu gạt bỏ lòng tham sang một bên, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình có thể dễ dàng thỏa mãn hơn nhiều. Nhà chỉ cần đủ để ở, không cần quá xa hoa. Xe chỉ cần đủ để di chuyển, không cần quá đắt tiền. Của cải chỉ cần đủ dùng trang trải cuộc sống và có một khoản tiết kiệm, không cần sở hữu quá nhiều số 0 “nằm ngủ” trong tài khoản ngân hàng.

Giàu hay nghèo thì chúng ta vẫn sống, vẫn có tư cách để được hạnh phúc với chính hiện tại của mình. Cuộc sống có vô vàn cách sống, quan trọng nhất là được sống cho chính bản thân, cho những người xung quanh, cảm nhận sự thỏa mãn từ đáy lòng.

Mỗi người chỉ có 1 cuộc đời để sống. Khoảng thời gian mất đi đều không thể lấy lại được. Vì vậy, tại sao không hưởng thụ cuộc sống của chính mình, tìm kiếm những điều bản thân yêu thích và thoải mái nhất? Trên con đường tương lai, có thể chúng ta còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, hãy học cách tận hưởng và sống cho vui vẻ ngay tại thời điểm này. Đó mới là cuộc sống có thể khiến bạn hạnh phúc.

Dù có mù quáng theo đuổi tiền tài vật chất, công danh lợi lộc, nhan sắc vóng dáng hay bất cứ thứ gì khác, mục tiêu cuối cùng mà chúng ta tìm kiếm cả đời vẫn chỉ là hai chữ “hạnh phúc”. Đôi khi, chúng ta vẫn luôn có được nó, chỉ là không biết trân trọng mà thôi. Khi được làm điều bạn thích là tự do, thích điều bạn làm chính là hạnh phúc.

Đừng vì những giá trị phù hoa hư vinh phù du của đời người mà đánh mất giá trị cốt lõi của bản thân. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ cũng không thể bằng một khoảng không tĩnh lặng, an yên cho riêng mình. Đừng như con chim hung ác hay A Tam tham lam trong câu chuyện kể trên, chỉ vì cái lợi ích trước mắt mà đánh mất cả sinh mạng của mình. Sống ở đời, đánh mất bản thân thì có khác gì đánh mất sinh mạng?

 Dương Mộc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình luận Facebook