TRÀ HOA NỮ – CÓ HAY KHÔNG TÌNH YÊU THUẦN KHIẾT DÀNH CHO MỘT KỸ NỮ?
Văn học thế giới có không ít tác phẩm kể về cuộc đời của người kỹ nữ. Nếu Nhật Bản bày ra trước độc giả bộ mặt thật cuộc đời của một kỹ nữ cao cấp, hay còn gọi là geisha trong Hồi Ức Một Geisha, Việt Nam cũng có tập thơ Truyện Kiều tái hiện lại nỗi đau thương của người con gái nghiêng nước nghiêng thành vì chữ hiếu mà phải trở thành kỹ nữ. Với những ai yêu thích văn học Pháp, hẳn sẽ không quên mối tình đầy bi kịch giữa kỹ nữ Marguerite và chàng tư sản trẻ Armand trong tác phẩm Trà Hoa Nữ. Mấy khi con người tội nghiệp ấy mới biết yêu và được yêu thật sự nhưng thứ tình yêu chớm nở đó lại bị vùi dập không thương tiếc.
Khi xuất bản tác phẩm Trà Hoa Nữ, nhà văn Alexandre Dumas con chỉ mới bước qua tuổi 24 nhưng thành công và danh tiếng đã đến với ông. Chỉ dựa trên một phần tự truyện của người kỹ nữ Marie Duplessis, hay còn là người tình trong thời gian ngắn của ông, mà Alexandre đã khắc họa một mối tình ngang trái giữa nàng kỹ nữ Marguerite Gautier và chàng tư sản trẻ Armand Duval giữa lòng Paris đầy hoa lệ trong thế kỷ XIX. Qua lời tường thuật của Duval, Trà Hoa Nữ khắc họa mối tình đẹp nhưng không thành và nàng Marguerite qua con mắt của chàng trai si tình.
Giữa chốn Paris phồn hoa đầy những cám dỗ, ấy thế mà, lại có hai người trẻ yêu nhau thuần khiết. Chàng Armand ban đầu si mê nhan sắc nàng Marguerite nhưng khi hiểu được câu chuyện bi thương của nàng, Duval yêu Marguerite hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Marguerite có lối sống xa hoa là thế nhưng vẫn có ngày nàng sẵn lòng từ bỏ tất cả vì một tình yêu lãng mạn, yên bình trong những ngày tháng cuối đời. Tuy nhiên, địa vị xã hội lại chính là rào cản lớn nhất cho tình yêu của họ.
Như lời tác giả Alexandre Dumas con đã chia sẻ, Trà Hoa Nữ kể về mối tình duy nhất của một kỹ nữ mà ông lẫn người đời có thể thông cảm được. Trong giai đoạn mà phụ nữ phải lệ thuộc vào đàn ông, sự phân chia giai cấp vẫn còn mạnh mẽ, số lượng nữ vĩ nhân bao giờ cũng khiêm tốn hơn nam giới, thật hiếm hoi khi thấy một người phụ nữ nào có thể tự mình làm giàu và hưởng vinh hoa phú quý mà không phụ thuộc vào gia đình. Giữa lòng kinh đô ánh sáng, có cô gái nào mà không muốn được sống trong nhung lụa đâu? Và nàng Marguerite cũng không ngoại lệ, chỉ có điều, xuất thân của nàng rất bình thường, hay nói trắng ra là nghèo khó. Với hoàn cảnh như thế, Marguerite dĩ nhiên khó có cơ hội trở thành phu nhân trong một gia đình giàu có và nàng chỉ còn lựa chọn làm kỹ nữ. Một người phụ nữ vừa trẻ, vừa có sắc như Marguerite nhanh chóng bị cuốn vào những cuộc ăn chơi xa hoa, những váy lụa đắt tiền mà không có ngày dứt ra được.
Dù là kỹ nữ nhưng cách Alexandre miêu tả nàng Marguerite trong Trà Hoa Nữ thật ý nhị với một vẻ đẹp đắm say lòng người nhưng không bao giờ gợi cảm đến suồng sã. Ông đặc biệt tinh tế khi chọn bó hoa trà là hình ảnh đi kèm với nàng, màu hoa trắng ngầm mang thông điệp Marguerite sẵn sàng đến với các người tình và màu hoa trà đỏ là một dấu hiệu cho ngày ấy. Thay vì nói thẳng ra một người kỹ nữ sa đọa chết vì giang mai, tác giả nhẹ nhàng đổi thành bệnh lao nhưng cách ông miêu tả Marguerite chật vật mỗi khi căn bệnh đó hành hạ thế nào thật đáng xót xa.
Bệnh tật khiến nhan sắc Marguerite có chút héo mòn nhưng cánh đàn ông vẫn săn đón nàng, một trong số đó là Armand, người mà sau này nàng yêu nhất cũng làm cho nàng khổ nhất. Là một kỹ nữ, Marguerite ý thức rằng mọi thứ xung quanh nàng chỉ là phù phiếm, một ngày nào đó nàng sẽ ra đi trong cô độc. Ngay lúc ấy, Armand bất ngờ xuất hiện trong cuộc đời nàng, mang lại cho nàng một niềm hy vọng về người bạn đời biết tin tưởng, ngoan ngoãn và kín đáo. Tuy nhiên, Armand chỉ là một chàng tư sản trẻ, còn phụ thuộc vào gia đình và dù là cuộc sống giản dị nơi miền quên, anh cũng không có khả năng lo cho Marguerite, khiến nàng phải bán đi những món đồ giá trị.
Nàng kỹ nữ một thời lừng lẫy ấy sẵn sàng hy sinh những gì xa hoa nhất để đổi lấy một cuộc sống an yên bên người yêu, nhưng luật nhân quả chẳng từ một ai. Nhờ danh tiếng mà cánh đàn ông tung hô, Marguerite nổi lên chẳng kém một ngôi sao nào nhưng chính danh tiếng đó đã giết mòn nàng cũng như tình yêu nhỏ bé ấy. Dĩ nhiên, gia đình Armand đời nào chấp nhận cho con trai cặp kè với một kỹ nữ mà hơn hết, mối quan hệ đó có nguy cơ đạp đổ thanh danh của cả nhà và hủy hoại hôn lễ sắp tới của cô con gái. Dù Marguerite muốn rửa sạch quá khứ nhưng thời điểm đó đã quá muộn và nàng không còn cách nào khác ngoài việc âm thầm bỏ rơi Armand giữa đêm mưa nặng hạt để trở lại Paris tiếp tục con đường cũ. Armand nào thấu hiểu được sự hy sinh và tình yêu cao cả của nàng dành cho anh. Anh ra sức giày vò nàng bất cứ lúc nào có thể, đẩy Marguerite vào tình trạng bệnh tật ngày một nặng hơn và rồi nàng ra đi trong đơn độc.
Không thể ủng hộ hành động dấn thân vào con đường kỹ nữ lúc ban đầu của Marguerite nhưng sao lúc nàng hối hận, muốn quay đầu thì lại không thể? Mang thân phận kỹ nữ, nàng cũng biết chán ngán trước cảnh “thiên hạ đến vòi vĩnh mình mỗi thứ đó, chi tiền và ngỡ như thế là xong chẳng nợ gì mình”. Chi tiết này trong Trà Hoa Nữ chứng tỏ rằng một người đam mê lối sống xa hoa cũng có lúc mệt mỏi, cần một tình yêu chân thành bù đắp lại những năm tháng cơ cực. Khi ở bên Armand, Marguerite cảm nhận được sự quan tâm, ân cần, một tình yêu mà nàng mong mỏi bấy lâu nay, thay vì chỉ biết tận hưởng khoái lạc. Những lúc ở miền thôn dã tách biệt ấy, nàng hoàn toàn là một người tình e ấp đúng nghĩa, khác hoàn toàn hình ảnh táo bạo chốn Paris.
Xót xa thay cho Marguerite, khi Armand hiểu chuyện thì căn bệnh của nàng đã không thể cứu vãn. Đóa hoa trà một thời được người ta săn đón là thế, lại chết trong cô độc và thậm chí, nấm mồ nàng chưa kịp ấm, các chủ nợ đã đua nhau tổ chức bán đấu giá những tài sản còn sót lại. Marguerite phải trả giá cho tình yêu như thế chưa đủ hay sao? Độc giả chưa kịp hết tiếc nuối cho mối tình thuần khiết ấy lại vội rơi nước mắt cho số phận đầy nghiệt ngã.
Khép lại quyển sách Trà Hoa Nữ, người viết mãi trăn trở rằng một kỹ nữ đáng thương không thể có tình yêu, không thể quay đầu vì sĩ diện của một người đàn ông sao? Suy cho cùng, chính Armand và gia đình anh ta mới là tác nhân đẩy những ngày cuối đời của Marguerite đến kết cục đó. Armand đấu tranh cho tình yêu của đời mình nhưng tình yêu đó đành nhường bước trước thanh danh của gia đình. Một cái kết buồn nhưng là cái kết phản ánh đúng bản chất của xã hội thay vì tô vẽ nên một câu chuyện đẹp như mơ không có thật.
Theo Ellle