Bản thảo đầu tay ‘vứt sọt rác’ phát lộ tài năng của Nam Cao, Tô Hoài

May mắn đã giúp các bản thảo, truyện ngắn đầu tay của Nam Cao, Tô Hoài dù bị “vứt sọt rác”, được đăng báo, để rồi bắt đầu những sự nghiệp văn học đáng nể.

Nhà văn Vũ Bằng, trong bài viết Nam Cao, nhà văn không biết khóc in trên tờ Văn học số 95, ra ngày 15/10/1969 tại Sài Gòn, đã kể về việc ông “tìm ra” Nam Cao như thế nào.

“Ngay lúc Tiểu thuyết thứ bảy ra khổ lớn, Nam Cao đã có viết mấy truyện gửi về nhà báo, nhưng toà soạn cũ không đăng”, Vũ Bằng viết. Ông giải thích, việc tòa soạn không đăng truyện không phải là vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau, nhưng có nhiều phần chắc chắn là vì vấn đề lười nhác hay không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện…

Và đúng lúc đó, nhà văn Ngọc Giao, thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy, có ý định muốn đi Nam để kinh doanh với một người bạn nhập cảng sắt cũ, chủ bút Vũ Đình Long mới đề nghị Vũ Bằng làm thư ký toà soạn tờ tạp chí văn học này.

Tác giả Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội kể tiếp: “Bao nhiêu những bài lai cảo chất đống ở toà soạn, tôi khuân cả về nhà. Tình cờ một buổi chiều xấu trời, không đi chơi tếu được, tôi rút một vài bài ra coi thì trong số đó có một truyện của Nam Cao.

Chỉ đọc độ nửa trang đầu, tôi đã cảm thấy một truyện “đăng được”, đọc xong thì tôi bị Nam Cao cám dỗ. Ngay buổi tối hôm đó, tôi hì hụi dở hết cả chồng bài cũ ra kiểm thì thấy Nam Cao còn có hai truyện nữa (trong đó có truyện người say rượu ngã ra như một cái bóng).

Tôi đọc luôn một hơi và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ maket, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái sa-pô giới thiệu một văn tài mới…”.

Theo các số báo lưu trữ, chúng ta đã biết Vũ Bằng đang nói đến truyện Đôi lứa xứng đôi, hay Cái lò gạch cũ mà sau này đổi thành truyện Chí Phèo nổi tiếng.

Vũ Bằng kể tiếp về phản ứng của dư luận đối với cây bút mới Nam Cao: “Thôi tôi chẳng viết dài dòng về phản ứng của truyện đầu tiên của Nam Cao đối với các văn hữu lúc bấy giờ ra sao. Tôi chỉ nói vắn tắt: truyện đầu tiên của Nam Cao thành công ngay và người đầu tiên thấy đến kiếm tôi hỏi thăm về Nam Cao là Thanh Châu Ngô Hoan. Tôi nói thực: Tôi không biết Nam Cao là ai cả.

Sau khi đăng được mươi truyện của anh ở trên mặt tờ Tiểu thuyết thứ bảy rồi, tôi mới được biết Nam Cao bằng da bằng thịt”.

Số phận của sáng tác đầu tiên của nhà văn Tô Hoài cũng vậy. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, trong một bài viết về cuộc đời sáng tác của Tô Hoài, đã ghi lại lời kể của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ rằng, ông đến với nghề văn một cách rất giản dị, và bước đầu vào nghề, không thấy có gì mới lạ hơn, so với những nghề khác, như nghề bán giày ở một đại lý cho hãng Bata hay nghề dạy trẻ học mà bạn bè ông thường làm.


Số phận cũng ưu ái sáng tác đầu tay của Tô Hoài được “trình làng” trên mặt báo.

Đại khái một lần, đi phủ hộ đê, thấy cảnh canh đê, “trống giục trống dồn”, “người lớn và trẻ con rúc ráy bên vệ cỏ”, Tô Hoài liền viết truyện Nước lên gửi đăng ở báo Hà Nội tân văn của nhà văn Vũ Ngọc Phan.

Do bản thảo viết lèm nhèm, nên truyện Nước lên đã bị loại. Nữ sĩ Hằng Phương, vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan nhặt lên, đọc thấy thích mới cho lên báo. Tô Hoài đã nhiều lần viết rằng: “Tôi vào nghề văn từ truyện ngắn Nước lên” (Tự truyện, 1985).

Tuy nhiên, theo nhà phê bình Đặng Tiến, thì đọc hồi ký Chiều Chiều của Tô Hoài mới biết rằng trước khi Nước lên được đăng mấy năm, Tô Hoài đã có truyện ngắn Những chuyện khó hiểu đăng trên phụ trang nhật báo Đông Pháp.

Đặng Tiến cho rằng Tô Hoài vẫn ghi Nước lên là sáng tác đầu tiên của mình, do đây là truyện ngắn đầu tiên ông được trả nhuận bút, trong khi truyện Những chuyện khó hiểu, chỉ được đăng theo dạng “lai cảo”, tác giả chẳng được hưởng một đồng tác quyền nào.

sưu tầm

Bình luận Facebook