Truyện Ngắn: Nước mắt đàn ông
Nó lấy vợ. Được hai tháng vợ bỏ. Nó lấy vợ lần hai. Lần này sau một tháng thì vợ lại bỏ. Đến lần thứ ba, cũng chỉ được nửa tháng cô vợ lại bỏ. Tôi không nhịn được, hỏi đùa: “Thế ra đời mày vừa qua chỉ có bận lấy vợ rồi bỏ vợ à. Mà ra làm sao mà con gái họ bỏ mày nhiều vậy?”…
Tôi đi công tác Sài Gòn một tuần. Về tới văn phòng công ty, hỏi trợ lý: “Mọi việc ổn không?”. “Dạ thưa anh, mọi việc sản xuất kinh doanh ổn. Không có gì đặc biệt. Khách hàng mua bán hàng ngày thì bọn em theo ý kiến của anh giải quyết được hết… À, có một tay đến nói là bạn đại học cũ thăm anh, nhưng chúng em đuổi ra khỏi văn phòng công ty luôn!”. “Sao?”.
“Tay này trông bô nhếch lắm, chắc nhận vơ, chứ bạn đại học với anh còn ai giờ này mặc quần vá đít, đạp cái xe khung gẫy hàn lung tung!”. “Thế trông mặt mũi thế nào?”. “Trông như thằng vừa trốn trại ra! Đã thế lại có cái nốt ruồi đen nhánh to tổ bố dưới mắt, trông ghê chết! Lúc bảo vệ đẩy ra khỏi cổng, hắn còn gào lên: “Tao là Bảo em trai giám đốc đây”! Chết cười! Anh có bao nhiêu em trai hay gái thì bọn em biết rõ mà!”.
Tôi hơi bàng hoàng. Có khi là thằng Bảo cùng học đại học với tôi thật. Lâu lắm tôi chả liên lạc với nó. Không biết bây giờ ra sao. Nhưng sao lại có thể ra nông nỗi như tay trợ lý của tôi mô tả được?
*
Bọn tôi biết nhau từ năm 1983.
Tại ký túc xá của trường đại học ở dốc Cây Đa Nhà Bò. Tôi với Bảo cùng phòng, tôi giường dưới nó giường trên. Hai thằng cùng chiếm hữu một cái giường tầng bằng sắt mấy năm liền, gần ngay góc ngoài của gian phòng ký túc tầng ba, nhà C. Tôi là bộ đội xuất ngũ về học, còn Bảo là học sinh phổ thông trên một tỉnh trung du xuống. Bảo trai tân. Còn tôi đã có vợ con ở quê.
Bảo năm ấy vừa tròn mười tám tuổi. Gầy. Đen. Mắt nhỏ. Mũi tẹt. Tóc loăn xoăn. Chỉ có mỗi một điểm nổi bật là dưới mắt trái có một cái nốt ruồi to, đen nhánh như một vết nhọ. Rất lạ. Bảo thi vào đại học, cộng đủ các thứ ưu tiên vùng miền, thành phần… vừa xoẳn điểm đỗ. Nó kể, em mà không đỗ đại học thì chỉ có lên đồi cuốc đất trồng sắn, đi học còn có học bổng với gạo nhà nước chứ ở nhà đói lắm. Nhà em quanh năm toàn ngô khoai sắn mà diễn, thỉnh thoảng mới được bữa cơm trắng…
Hồi ấy vẫn còn bao cấp.
Tôi đi học còn có cả phụ cấp của bộ đội chuyển ngành, khá hơn bọn học sinh phổ thông vào một chút. Nhà tôi ở phố thị nhỏ gần Hà Nội. Vợ ngoài làm giáo viên thì còn mở thêm cái quán buôn bán nhì nhằng, thế nhưng mà kiếm ra phết! Tôi thì đến chiều thứ bảy là lại lượn lờ lên Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân nhặt ít hàng rồi đạp xe mang về cho vợ bán kiếm tiền nuôi con. Thế nên cũng ăn cơm suất nhà bếp như bọn sinh viên là học sinh phổ thông vào, nhưng tôi vẫn phong lưu hơn. Thỉnh thoảng ra chỗ Ô Đông Mác, mua một bọc chân trâu bò đã luộc chín, thái miếng nhỏ về sẻ ra mâm ăn cùng. Cũng ngon phết mà lại no lâu, vì da gân trâu bò vào dạ dày nó nở ra, chắc dạ.
Đối diện với cổng ký túc xá trường tôi là một khu tập thể, hình như của nhà máy dệt sợi bên chỗ dốc Minh Khai. Đó là một khu nhà ba tầng giống hệt bên ký túc bọn tôi ở. Cũng từng phòng hơn chục mét vuông. Cũng khu vệ sinh chung ở ngay lối rẽ đầu cầu thang. Nhưng khác bên ký túc sinh viên là có khu bếp nấu ăn ở hai đầu hồi nhà. Dạo mới về Hà Nội học, tôi cứ tưởng mỗi gia đình công nhân ít ra cũng được ở một gian như vậy…
– Cậu này mơ! Thủ đô đất thánh mà mỗi nhà được ở một gian như thế thì có mà… Phòng 303 nhà chị là hai hộ tám người đấy em nhé!
Chị Bình, chủ cái quán nước buổi tối ở dưới chân cầu thang vừa cười hinh hích vừa bảo tôi vậy.
Chị Bình năm ấy khoảng ngoài ba mươi tuổi. To béo mũm mĩm, trắng như cục bột. Tôi không hiểu tại sao trong cái thời buổi thóc cao gạo kém mà vẫn có người béo tốt thế? Sau này khi đã thân tình, tôi mới rón rén hỏi, chị Bình lại cười khích khích, đập bộp vào lưng tôi bảo:
– Chị cũng chả hiểu nữa! Chị chả ăn gì, toàn cơm thừa canh cặn của bố con nhà nó, đi làm ca đứng máy cả ngày, tối đến bán quán đêm khuya mới được ngủ mà vẫn cứ béo quay, đến lạ!
Thằng Bảo nói:
– Em không tin!
– Không tin thì lúc nào lên phòng nhà chị chơi cho biết, xem có gì bổ béo không?
Chị Bình mời hai thằng tôi lên phòng, vì là khách quen lâu ngày thành thân. Nguyên do bởi tôi bị nhiễm tật xấu, tối đến cứ phải lê la trà lá quán xá. Có khi cũng chỉ uống chén trà nóng, hút điếu thuốc. Hôm nào có phụ cấp hay đánh quả kiếm được tí thì tôi làm vài chén rượu Vân với mấy thức nhắm linh tinh của chị Bình tự làm. Tôi luôn rủ thằng Bảo đi ngồi quán cùng. Thế nên chị Bình quý cả hai thằng chúng tôi, thành ra gần như người nhà! Có hồi thằng Bảo từ chối ra quán với tôi, nó nói phải học. Tôi bảo: “Đ.m, mày học làm gì lắm cho nó ngu người đi! Đầu con người ta cũng như cái tích nước chè nóng của bà Bình ấy, rót nhiều vào nó tràn ra không chứa được đâu. Đi ra quán ngồi với tao một lúc rồi về học mới vào được”.
Nhưng thật ra thì thằng Bảo nó sĩ hão, do nó không có tiền. Nó nghĩ chả lẽ tôi mời nó mười lần mà nó không mời lại được một lần, ngại chết! Mà kể cả chỉ điếu thuốc với chén trà nóng, cái kẹo dồi nó cũng chả có khả năng. Đấy là tối hôm thi xong môn Triết, cũng là kết thúc kỳ thi học kỳ một năm thứ nhất. Tôi kéo nó ra quán chị Bình uống rượu với mấy cặp chân ngỗng chị ấy mua được ở chợ tạm Thanh Lương lúc đi làm chiều về. Chị ấy đã nhấm nháy tôi trước rồi.
Tối ấy tôi tẩn cho thằng Bảo liền vài chén rượu Vân phải tới bốn mươi độ, đốt cháy xanh lè. Cậu chàng say. Có bao cái gọi là nỗi niềm tuôn ra bằng hết. Nên nó đã nói với tôi thế. Về cái sự sĩ hão ngại ngùng ấy. Tôi bảo mày ngu lắm em ạ, tao đi học có phụ cấp lại vừa đi buôn nữa, tao có tiền. Tao quý mày chỉ vì mày ngoan ngoãn thật thà. Tao chỉ cần mày ra ngồi với tao cho vui thôi. Đếch ai uống rượu một mình mà vui được.
Thằng Bảo khóc tu tu nói: “Anh tốt với em quá, đời em trên núi ăn toàn ngô khoai sắn. Về Hà Nội học được ăn cơm nhà nước, lại được anh cho nếm bao của ngon vật lạ, hu hu hu…”. Nghe nó khóc mà não lòng! Nhìn cái mặt đàn ông con trai nguệch ngoạc nước mắt sao mà chán thế. Chắc nó nghĩ chân ngỗng và vài ba cái thứ lòng mề xương xẩu của cánh lò mổ quốc doanh bên Đầm Trấu, là của ngon vật lạ!
Trưa hôm sau, vừa ăn cơm xong thấy chị Bình chạy sang ký túc gọi hai thằng chúng tôi. Thì ra chị ấy mua được một cái gác- măng- giê (kiểu như chạn bát). Một thứ đồ được coi là xa xỉ với các nhà công nhân thủa ấy! Thế nên chị ấy vui. Gương mặt trắng trẻo của bà chị hồng lên trong một niềm phấn khích vô bờ. Chị liến thoắng kể, có ông bạn làm ở nhà máy gỗ tít bên Cầu Đuống, mua hộ cho. Lại còn gửi xe ôtô tải đi qua đến tận chân cầu thang khu tập thể. Hai chú sang khiêng cho chị lên phòng.
Hai thằng khiêng cái gác- măng- giê be bé bằng gỗ tạp, chả đáng gì so với sức vóc của sinh viên tuy đói ăn triền miên nhưng do còn trẻ nên vẫn khỏe phết. Chị Bình lăng xăng chạy theo sau xuýt xoa sung sướng cứ như là vớ được món đồ cao quý của cung vàng điện ngọc không bằng.
Hai thằng chúng tôi cùng chị Bình hì hục dọn dẹp một hồi, kê cái gác- măng- giê gọn vào góc phòng. Chị Bình xoa tay sung sướng: “Nhìn nhà sáng hẳn ra!”. Nửa gian phòng bên kia cũng là một gia đình công nhân hai vợ chồng có tới ba đứa con. Lên đến nơi tôi mới biết chồng chị Bình là công nhân xây dựng bị tai nạn lao động đã mấy năm nay, trước nằm liệt, giờ mới nhúc nhắc tự bò lê được một chút. Khi hai thằng chúng tôi khiêng vác rồi kê cái gác- măng- giê vào thì anh ấy ú ớ hoa tay múa may gì đó. Chị Bình bảo, anh nói cảm ơn và bảo mời chúng tôi chén rượu! Nghe đến rượu, thằng Bảo vẫn còn khiếp vía vụ tối qua, nó chối phắt và kéo ngay tôi về bên ký túc.
Minh họa: Phạm Minh Hải. |
Hồi ấy chả biết ra làm sao mà kinh tế cứ ngày càng khó khăn lụn bại mãi. Cả nước nheo nhóc chuyện kiếm miếng ăn. Đói kém lắm. Nông dân đói. Công nhân đói. Nên bọn sinh viên chúng tôi càng đói. Được ăn một bữa cơm no là cả một niềm mong ước. Có hôm đi ăn cơm dưới nhà ăn về thằng Bảo nói: “Anh ạ, em ăn xong bữa cơm rồi mà bụng vẫn rỗng nguyên, cứ như chưa ăn gì!”. Thì bữa cơm sinh viên có gì đâu, bọn tôi đã từng ca dao: “Cơm ba lưng bát tha hồ chén/ Thịt gắp luôn tay mỗi miếng bì!”. Có một hôm thứ bảy, nhiều thằng về quê quên không cắt cơm. Tối ấy Bảo ta được một bữa no nê nhớ đời, một mình nó xơi sạch xoong cơm của cả mâm năm thằng! Đến chiều chủ nhật bọn tôi lên ký túc mà nó vẫn còn rung đùi khoái chí…
Vẫn cứ đói triền miên.
Không kiếm được gạo nấu cơm, nhà trường tính tạm cho sinh viên về nghỉ. Thằng Bảo nói với tôi: “Nghỉ học thì anh còn chạy chợ kiếm ăn được, chứ em chả lẽ lại về trên quê đi nhổ sắn?”. Chị Bình bảo: “Nghỉ học thì mày sang chị bày cho cách đi buôn ở Hà Nội, ối thứ ra tiền, không phải về quê. Quê có gì vui?”.
Là bởi vì cả nước ngày ấy đang sục sôi quẫy đạp tìm cách kiếm ăn. Đói đầu gối phải bò! Các cụ nhà ta xưa đã dạy thế. Cái vòng kim cô bao cấp bóp nghẹt cả nước tức thở sắp chết ráo cả rồi. Mọi người nhao lên như đàn cá mương ở đầm sen quê tôi mỗi hôm trở trời, nước đục thiếu ôxy lại lao nhao trên mặt nước. Ai nấy lao ra đường kiếm ăn. Cả nước xuống đường toàn dân làm thương nghiệp. Nhà nào có mặt tiền, cơ quan nào ở mặt phố đều đục trổ ra làm cửa hàng buôn bán. Tôi thì như đã kể, vốn dân một làng truyền thống chợ búa buôn bán lâu đời xưa nay bên Kinh Bắc nên cũng chả lấy làm ngại.
Cái quán nước ở chân cầu thang quay ngay ra ngõ phố của chị Bình lâu dần thành như một cái trung tâm bán buôn đủ các thứ. Bên nhà máy dệt công việc ít, chị bèn nhường lại cả cho chị em cùng ca. Chị ở nhà chuyên tâm buôn bán cả ngày, không chỉ mở bán nước buổi tối nữa. Chị mua gom đủ thứ về bán cho sinh viên ký túc, cho dân xung quanh. Và chị cũng mua lại đủ thứ của sinh viên, gia đình công nhân túng bấn đem bán lại. Nghe dân khu tập thể kháo, bà này còn tiêu thụ cả của gian do đám dặt dẹo trong khu lấy được các nơi đem về. Cái này thì tôi chả lạ.
Thế mà rồi trường phải cho sinh viên về nghỉ tạm ba tháng thật.
Thỉnh thoảng đi cất hàng trên phố tôi vẫn ghé vào ký túc xá. Thằng Bảo vẫn ở đấy. Một mình. Nó kể: “Em đi chạy hàng cho bà Bình, kiếm ăn phết anh ạ. Đủ ăn mà lại có đồng ra đồng vào. Đúng là phi thương bất phú!”. Chị Bình bảo: “Chú Bảo thế mà được việc. Có lộc buôn bán. Có chú ấy giúp, chị làm ăn khấm khá hẳn”. Vừa nói, chị Bình vừa cười rinh rích. Má hồng lên. Mắt thì bỗng dưng đong đưa lúng liếng liếc ngang. Mà thằng Bảo dạo này cũng thấy thay đổi, nhanh nhẹn hoạt bát chứ không còn vẻ nỉ non u sầu thường lệ…
Lúc chị Bình chạy lên gác ba lấy thêm đồ xuống bán, tôi nhìn theo rồi nói: “Dạo này bà Bình có tình yêu mới hay sao ấy. Thấy rực rỡ hẳn lên, đít căng ra ngoáy tít!”. Thằng Bảo đá vào sườn tôi một cái: “Ông đúng là trai có vợ. Thấy đàn bà con gái là chỉ nhằm ngay vào khu trung tâm!”. Tôi cười khì. Là bởi bọn tôi vẫn biết tay Hợp, Quản đốc phân xưởng bên nhà máy gỗ Cầu Đuống, người mua hộ chị Bình cái gác- măng- giê là bồ chị. Thỉnh thoảng thấy tay ấy còn đạp xe đèo sang cho một bao mùn cưa để đun bếp. Không biết họ tư tình với nhau ở đâu.
Phòng ở thì chắc là không. Bởi chồng chị Bình tuy bị tai nạn mất hết cả sức lực rồi nhưng vẫn còn nhúc nhắc, vả lại còn đứa con đấy, hàng xóm đấy, cách có mỗi cái bức vách bằng cót tre mỏng tang. Mãi sau này tôi và thằng Bảo mới phát hiện ra, họ tình tự với nhau ở vườn hoa Pasteur gần khu này! Là do một tối hai thằng chúng tôi nổi hứng đạp xe đèo nhau lên Hồ Gươm lượn một vòng.
Dạo mát thôi. Lúc về tôi bảo: “Tao với mày đạp xe lòng vòng qua phố Yersin xem bọn phò nó bắt khách thế nào nhé”. Bởi hồi ấy cả phố Yersin và xung quanh vườn hoa Pasteur đều là các cơ quan, không có nhà dân hay hàng quán gì. Tối đến nhiều hôm đèn đường cũng chả có. Trong vườn hoa càng không. Tối om om. Thành ra một nơi thuận lợi họp chợ của gái bán hoa hàng đêm. Bọn lớp tôi đi ôn thi trên giảng đường buổi tối vì có quạt mát còn bảo, lắm hôm gái bán hoa đứng hai bên đường phố Yersin đông như duyệt binh!
Một tối ký túc xá mất điện thằng Bảo cũng mượn cái xe đạp của tôi lên giảng đường tranh thủ học. Nó rất sợ trượt. Còn tôi thì mặc kệ. Mất điện tôi leo lên sân thượng hóng mát. Thi trượt thì thi lại, sao phải xoắn! Đêm ấy thằng Bảo về kể, em vừa hút chết ở phố Yersin. Đang đạp xe, có con bé nó nhảy bổ lên gác- ba- ga, ôm chầm lấy bảo đi “chơi” với nó. Em bảo là sinh viên không có tiền. Nó bảo là từ tối đến giờ em chưa mở hàng, anh vào vườn hoa em cho “chơi” miễn phí lấy may! Em hốt quá giằng xe chạy biến…
Tối hôm ấy tôi và thằng Bảo đạp xe lượn một vòng quanh vườn hoa Pasteur. Các cô nàng bán hoa dường như cũng biết bọn tôi là sinh viên không có tiền nên lờ đi chả thèm để mắt tới. Hai thằng tôi vừa đạp chầm chậm vừa nhìn sâu vào trong vườn hoa. Trong bóng tối mờ mờ của vài ngọn đèn đường èo uột còn sót lại, bọn tôi nhìn thấy tay Hợp Quản đốc đang ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây sưa. Lúc ấy đã 11h đêm, thường là chị Bình dọn hàng đóng cửa quán. Bọn tôi thì thầm đoán với nhau là chị Bình sẽ ra đây gặp tay Hợp. Hai thằng chúng tôi quyết thử rình xem có đúng không.
Chúng tôi cứ đạp xe lòng vòng xung quanh chờ đợi. Y như rằng, một lúc sau thấy cái bóng quen quen của bà chị luồn nhanh vào trong vườn hoa. Đến chỗ tay Hợp ngồi. Họ dắt nhau đến cái bụi cây cau đẻ lúp xúp ở góc tối của vườn rồi dính chặt vào nhau tức khắc.
Tôi và thằng Bảo đi rình chị Bình chẳng qua là để thỏa trí tò mò, là bà Bình cặp bồ với tay Hợp thì họ gặp nhau ở đâu và lúc nào thôi. Không có ý gì khác. Chứ bọn tôi thừa biết với một người đàn bà đương thì như chị Bình mà phải ở với ông chồng tàn tật thì thật là khó nói. Chị ấy không cặp bồ với người này thì cũng với người khác mà thôi. Nhưng cũng không vì thế mà bọn tôi giảm bớt lòng yêu mến với người đàn bà xởi lởi tốt tính như chị. Nhiều lúc không có tiền chị còn cho chúng tôi cắm quán ghi sổ, thậm chí đôi khi còn cho vay chút ít.
Thế nhưng sau ba tháng tạm nghỉ lên trường thì tôi thấy thằng Bảo có sự thay đổi lớn. Trông nó sành sỏi hơn. Ăn diện hơn. Tự tin hơn. Nhưng cái nốt ruồi dưới mắt thì vẫn đen nhánh. Ngoài những lúc phải lên lớp, lên phòng thí nghiệm thì nó hầu như cắm chốt bên quán nhà chị Bình, chỉ về phòng khi đêm để ngủ. Nó vẫn thân tôi. Bởi tôi với nó bây giờ còn coi nhau như đồng nghiệp bán buôn nữa kia. Nó bảo: “Em đã quyết định lấy đây làm điểm tựa!”. Ý nó nói điểm tựa là nhà chị Bình đấy. Chị Bình nghe thế cười tít mắt. Má lại rực lên.
Tay đập đập vào đùi thằng Bảo đang ngồi ra chiều rất thân ái tình tứ. Tôi bỗng thấy chập chờn trong đầu cái hình ảnh chị Bình và tay Hợp đang nhấp nhổm trong búi cây cau đẻ chỗ vườn hoa Pasteur… Thằng Bảo gật gù chạm chén với tôi không nói gì. Uống một phát cạn ngay chén rượu làng Vân. Nó đã lột xác từ một thằng trai quê trở thành ra như con dân chính hiệu phố phường! Bọn cùng phòng, cùng lớp tôi đồn ầm là thằng Bảo chuột sa chĩnh gạo. Cơm no bò cưỡi. Rất ấm!
Nghe bọn cùng phòng cùng lớp nói và lại chứng kiến thế, tôi định nói chuyện với thằng Bảo. Một buổi chiều tôi rủ nó vào hồ Hai Bà đi dạo. Tôi chưa kịp mở miệng thì đã bị chặn họng. Nó bảo là thương chị Bình, đang trẻ thế mà ông chồng tai nạn cả gần chục năm nay chả làm được gì. Nên chị ấy mới phải cặp bồ với lão Hợp. Nay có em cho lão Hợp nghỉ rồi! Tôi nín câm chả biết nói gì nữa. Còn nói gì nữa khi thằng Bảo cũng là một thằng thanh niên có học. Nó đã trưởng thành rồi kia mà.
Thằng Bảo buôn bán kiếm ăn được. Nhiều lúc nó xông xênh lắm, rủ tôi ra tận nhà hàng cơm tám giò chả bên phố Huế đánh chén. Nhưng cùng với tốc độ kiếm tiền thì cái việc học hành của nó cứ đi xuống dần dần đều. Hình như tiền là một thứ nó tương kỵ với chữ hay sao ấy. Có nhiều tiền trong túi là con người ta nghĩ đến việc khác, chả ai nghĩ đến đọc sách cả. Mà nhất lại là những quyển giáo trình dày như danh bạ điện thoại, khô không khốc, mở ra hoa hết mắt vì những công thức hóa học chồng chất như ngôi nhà năm bảy tầng của trường tôi. Nhìn nản lắm! Nếu không có quyết tâm cao độ thì khó lòng mà ngồi nghiền được.
Thế nên chuyện thằng Bảo thi trượt lên trượt xuống là chuyện thường. May được cái ở trường tôi các thầy cô thương sinh viên, chả đuổi đứa nào bao giờ. Các thầy bảo, thi trượt thì cố học mà thi lại, bao giờ qua thì lấy bằng mà đi làm. Thế thôi.
Cứ lang bang dặt dẹo trên đất kinh thành trong thời đói khát thế mà rồi tôi cũng xong mấy năm đại học. Cầm được cái bằng, tôi về quê làm. Bởi người tốt nghiệp đại học như tôi khi đó cũng ít, dễ xin việc. Còn thằng Bảo nó phải ở lại trường học để thi trả nợ các môn chưa qua. Tuy nhiên nó hình như cũng chả lấy thế làm nghiêm trọng gì. Nó vẫn đang ở cầu son buôn bán. Vẫn xông xênh.
Hôm chia tay, tôi với nó ngồi uống rượu ở quán chị Bình. Tôi bảo: “Chú cố gắng học trả nợ nốt các môn mà lấy cái bằng, bõ công mấy năm học hành đằng đẵng”. Bỗng nhiên nó vằn mắt nhìn tôi: “Không khiến anh phải dạy”. “Ồ. Chỗ bạn bè thân tình anh mới bảo chú thế chứ?”. “Thân là gì? Là thân ai người ấy lo, nhé!”. Tôi cứng họng luôn.
Thế rồi bẵng đi mấy mươi năm trời mải bận làm việc, kiếm tiền tôi chẳng lúc nào nhớ đến thằng em sinh viên có cái nốt ruồi đen sì dưới mắt trái thời ký túc xá Cây Đa Nhà Bò nữa.
Vậy mà hôm nay…
*
Về nhà lục đống sổ sách cũ, tôi tìm được địa chỉ nhà Bảo. Định sang tuần sẽ lên xem sao. Bởi từ lúc nghe cậu trợ lý nói, tôi thấy bất an quá. Hồi mới ra trường, sau vài năm tôi có ghé vào Phòng Đào tạo hỏi thăm thì thấy nói Bảo cũng đã thi trả nợ hết các môn và cầm bằng về quê. Tôi cũng tạm yên tâm.
Chưa kịp lên thì Bảo đã quay lại công ty tôi.
Vẫn như xưa. Như cái buổi đầu chúng tôi gặp nhau ở ký túc xá Dốc Thọ Lão. Nhưng là một phiên bản xuống cấp sau mấy chục năm. Nhăn nhúm hơn. Tiều tụy hơn. Kiểu cứ như một bức tranh lâu ngày bị bỏ xó đâu đó. Tàn tạ. Cũ kỹ đi. Nhưng cái nốt ruồi thì vẫn vậy. Đen nhánh một cách kỳ khôi.
Bọn tôi ngồi đối ẩm với nhau tại một phòng riêng của nhà hàng. Mới đầu, Bảo hầu như lặng thinh hoặc chỉ lùng bùng trước mọi lời hỏi han của tôi. Tôi cũng chả biết làm gì hơn là rót rượu và tiếp thức ăn. Sau vài tuần rượu, hình như mọi ức chế mới được cởi bỏ. Nó mới bắt đầu kể về quãng đời sau này cho tôi nghe. Nó buôn bán với chị Bình ở Hà Nội vài năm rồi khi thi trả nợ hết các môn, lấy được bằng nó về quê xin việc ở một cơ quan. Mới đầu cũng khá ổn.
Nó lấy vợ. Được hai tháng vợ bỏ. Nó lấy vợ lần hai. Lần này sau một tháng thì vợ lại bỏ. Đến lần thứ ba, cũng chỉ được nửa tháng cô vợ lại bỏ. Tôi không nhịn được, hỏi đùa: “Thế ra đời mày vừa qua chỉ có bận lấy vợ rồi bỏ vợ à. Mà ra làm sao mà con gái họ bỏ mày nhiều vậy?”.
Bảo không trả lời vào câu hỏi của tôi, tiếp tục: “Anh ra trường nửa năm thì chồng chị Bình mất. Em ở luôn với chị ấy. Mấy năm sau có bằng rồi, em đánh một quả lớn, lừa chị ấy ôm hết tiền nong vốn liếng rồi chuồn về quê xin việc. Coi như là công lao em đã phục vụ bà ấy bao nhiêu năm trời. Em định lấy vợ cho quên hẳn cái quãng đời cũ ở với bà Bình đi. Thế nhưng…”. “Thế sao?”.
“Anh có nhớ cái đận mà trường mình phải cho sinh viên về nghỉ tạm vì hết gạo ấy không? Em ở lại và bị bà ấy hiếp dịp ấy…”. “Tao tưởng mày thuận tình cơ mà?”. “Không. Lần đầu tiên là do em uống rượu say rồi bà ấy dìu về phòng ký túc. Phòng còn mỗi một mình em, thế là bà ấy… Sau em cũng tặc lưỡi mặc kệ cái sự đời. Mất gì đâu. Cơ mà bà ấy đòi hỏi nhiều quá em cũng khiếp.
Về sau này toàn bà ấy chủ động thôi”. “Đến thế cơ à?”. “Thế đấy. Sau này mỗi lần em định làm nghĩa vụ của thằng đàn ông với vợ thì cái hình ảnh bà Bình lại hiện về ám. Em lạnh người khi nhớ lại những lúc người mình như bị vắt kiệt, bị cái thân thể đàn bà to béo, nóng rừng rực như than đè lên vần vò.
Trong cái mùi mồ hôi dầu nồng lên đến muốn ngạt thở… Thân thể em mềm nhũn ra, oặt ẹo không làm gì nổi. Dường như có bao sức lực trai trẻ em đã bị người đàn bà đó rút hết rồi. Em không làm được chức phận của đàn ông nữa. Cả ba người vợ đều bỏ em. Em chán đời bỏ việc đi lang thang. Đời em thế là hết rồi anh ơi…”.
Thằng Bảo bật khóc. Tôi nghe tiếng khóc của nó mà bàng hoàng cả người. Cái tiếng khóc vẫn y như từ mấy chục năm trước say rượu nó đã khóc với tôi ở quán nhà chị Bình. Tôi chả biết làm gì nói gì hơn. Ngồi yên lặng nhìn thằng em sinh viên khốn khổ thủa nào đang nhòe nhoẹt nước mắt. Dường như mấy chục năm qua thời gian ngưng đọng lại. Vẫn những giọt nước mắt lăn dài và tiếng nức nở, hu hu hu…
Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh/VNCA