Cười khóc. Thấy nhà thơ Vương Trọng đang bón cơm cho con, nhà thơ Thanh Tịnh ứng khẩu đọc hai câu:
Bố cho con ăn, bố cười con cười
Con cho bố ăn, bố khóc con khóc!
Nhà thơ… béo
Nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận
Hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận cùng đi bình thơ tại một trường cấp III ở Vĩnh Phú. Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu:
– Hôm nay chúng ta rất vinh dự được đón hai nhà thơ lớn của dân tộc…
Nhà thơ Huy Cận liền đứng dậy phát biểu vui:
– Tôi không dám nhận tôi là nhà thơ lớn. Anh Xuân Diệu là nhà thơ… lớn, còn tôi là nhà thơ… béo! (Một ông gros, một ông gras).
Trần Đăng Khoa có… hai vợ
Khi làm thủ tục nhập học trường viết văn Gorki, nhà thơ Trần Đăng Khoa phải làm một bản tự khai lý lịch. Đến phần cuối có hai câu hỏi:
– Sang Liên Xô lần thứ mấy?
– Đã có vợ chưa…
Lúc ấy, nhà thơ đã sang Liên Xô hai lần và vẫn là trai chưa vợ, nhưng có lẽ đãng trí nên Trần Đăng Khoa đã ghi:
– Sang Liên Xô: 0
– Đã có vợ chưa: 2…
Điều này làm cán bộ nhà trường hiểu lầm nhà thơ trẻ quá… cỡ!
Khi nhà văn đóng phim
Nhà văn K. được mời đóng phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của nhà văn Nam Cao. Khi gặp vợ của nhà văn đi lĩnh nhuận bút, ông than thở cho cái “nhân tình thế thái” làng phim:
– Có hương hồn anh Nam Cao chứng giám. Cái chai nước trong trong mà chị tưởng là rượu (trong phim) chính là nước lọc. Còn dĩa thịt gà mà chị nói “em” nhai rau ráu ấy là dĩa thịt gà mượn của hàng phở về quay phim, quay xong phải trả đủ, không thiếu miếng nào. Nước lọc thì được uống thật còn thịt gà thì phải ăn bỡn đấy chị ạ! Chúng nó thuê con chó của thằng cha hàng phở để làm con chó nhà lão Hạc, phải trả 3.000 đồng nó mới cho thuê. Còn em là nhà văn nó thuê em đóng phim, nó chỉ trả có 2.000 đồng. Đau lắm chị ơi!
Khi nhà thơ bí
Không biết các nhà thơ khác khi ngồi đối diện trước trang giấy trắng mà nàng thơ đi đâu mất thì nhà thơ để lại những gì? Nhưng riêng nhà thơ Quang Huy thì để lại những trang giấy trắng đầy… râu, đầy… chữ ký. Và sau khi không còn gì để lại thì nhà thơ Quang Huy đi xách nước đầy bể nhà mình rồi xách nước đổ đầy các phuy khác đặt trước hành lang nhà hàng xóm!
Tại sao họa sĩ Thành Chương có tên là Chương?
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Kim Lân sống ở Hà Bắc và đang viết cuốn”Xóm ngụ cư” thì vợ ông mang bầu. Viết hết chương IV thì kháng chiến lan rộng, ông phải ngưng viết.
Một thời gian ngắn sau, ông bắt đầu viết tiếp nhưng mà khi đặt bút viết được chữ chương V thì vợ đẻ phải ngưng viết. Ông bèn đặt tên cho cậu con trai tên là Chương!
Và đó là họa sĩ Thành Chương. Nếu không ngưng ở chương V thì có lẽ ông Thành Chương sẽ là Thành… gì thì chẳng ai biết!
(Viết theo “101 truyện vui, giai thoại làng văn VN”của Nguyễn Bùi Vợi, Xuân Tùng)