5 MẨU TRUYỆN NỔI TIẾNG NHẤT CỦA LỖ TẤN
1. AQ chính truyện
Câu chuyện kể lại cuộc phiêu lưu của AQ, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. AQ nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Ví dụ như mỗi khi anh bị đánh thì anh lại cứ nghĩ “chúng đang đánh bố của chúng”.
AQ có nhiều tình huống lý luận đến “điên khùng”. A Q hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng.
Lỗ Tấn đã cho thấy những sai lầm cực đoan của AQ, đó cũng là biểu hiện của tính cách dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh AQ bị đưa ra pháp trường vì một tội nhỏ cũng thật là sâu sắc và châm biếm.
2. Nhật ký người điên
Đây là truyện ngắn đầu tay của Lỗ Tấn viết năm 1918, truyện được lấy tên dựa theo truyện ngắn Nhật ký của một người điên của Gogol. Nhật ký người điên là phát súng mở đầu, là bài “hịch tuyên chiến” chống lễ giáo, đạo đức phong kiến, phủ nhận triệt để chế độ phong kiến.
Qua vài trang nhật ký, tác giả dựng lên cả một xã hội, thu tóm trong lịch sử mấy ngàn năm. Những suy nghĩ này là sự nung nấu trong tâm hồn, là sự trải nghiêm cuộc đời của Lỗ Tấn. Nó trở thành chân lí xui giục người ta hành động, thành viên đạn trái phá, công phá dinh lũy của chế độ phong kiến ngàn năm.
Nhật ký người điên là tác phẩm duy nhất của Trung Quốc được lựa chọn vào tuyển tập 100 tác phẩm xuất sắc nhất của Bokklubben World Library.
3. Khổng Ất Kỷ
Khổng Ất Kỷ là một nho sĩ cuối mùa. Anh ta suốt đời ôm mộng công danh phú quý thi bao lần không đỗ vẫn không tỉnh ngộ, đến nỗi biến thành con mọt sách của thánh hiền, luôn mở miệng “chi, hồ, giả, dã”. Tư tưởng “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” đầu độc anh ta đến mức coi việc ăn cắp sách không phải là ăn cắp, bởi vì có biết chữ mới ăn cắp.
Thời đại đã thay đổi khiến anh ta trở thành người cô độc, lạc lõng. Anh ta cũng là người “độc nhất mặc áo dài mà lại đứng trước quày uống rượu”. Anh ta trở thành con rối để mọi người đùa giỡn rồi nhanh chóng bị bỏ rơi trong quên lãng.
Khổng Ất Kỷ được coi là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Lỗ Tấn khi vừa đồng tình với số phận bi thảm của tầng lớp trí thức hủ nho, song ông nghiêm khắc phê phán cái thủ cựu gàn dở của họ.
4. Cố hương
Truyện ngắn Cố hương kể lại chuyến về quê lần cuối cùng và những suy ngẫm, rung cảm của bản thân trước sự thay đổi của cảnh vật và con người ở quê hương của nhà văn Lỗ Tấn.
Cố hương cũng là tác phẩm được đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến vì đã từng được đưa vào chương trình giảng dạy môn Ngữ Văn. Truyện ngắn gấy ấn tượng không chỉ bởi giọng văn trầm buồn mà còn bởi triết lý: “Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”
5. Thuốc
Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn viết năm 1919, đây là thời điểm diễn ra cuộc vận động Ngũ Tứ ( Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên Bắc Kinh ) bùng nổ. Câu chuyện được kể về những người dân quê mê muội trong một vùng quê u ám tù đọng lạc hậu.
Trên cơ sở cảm nhận ánh sáng cách mạng của phong trào này, Lỗ Tấn xây dựng truyện với kỳ vọng giải thiêng nỗi u mê của dân tộc mình.
Tổng hợp