3 tình bạn giữa các nhà văn kết thúc trong tiếc nuối

Vì nhiều lý do khác nhau, những tình bạn đẹp giữa các nhà văn nổi tiếng này lại kết thúc trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Hans Christian Andersen – Charles Dickens

Charles Dickens (trái) và Hans Christian Andersen.

Andersen được coi là nhà kể chuyện cổ tích vĩ đại nhất của Đan Mạch với 3381 tác phẩm, được dịch ra hơn 125 thứ tiếng và được trẻ em trên toàn thế giới biết đến.

Ông là tác giả của những câu chuyện cổ tích nổi tiếng như Cô bé bán diêm, Chú lính chì dũng cảm, Nàng công chúa và hạt đậu… Số các tác phẩm chuyển thể từ những câu chuyện của ông cũng vô cùng nhiều, trải dài từ phim truyền hình, phim điện ảnh, hoạt hình đến kịch, truyện tranh, đồ chơi.

Charles Dickens là nhà văn người Anh nổi tiếng với các tiểu thuyết thời Victoria như Oliver Twist, David Copperfield, Món quà Giáng sinh, Những kỳ vọng lớn lao,… Dù không có cơ hội hoàn thành chương trình học phổ thông, nhưng Dickens đã để lại sự nghiệp đồ sộ bao gồm 15 tiểu thuyết, 5 truyện dài và hàng trăm truyện ngắn, bài phê bình, bài luận về quyền trẻ em, giáo dục và các vấn đề xã hội.

Tháng 6/1847, lần đầu tiên Andersen đến thăm nước Anh, tại đây ông đã gặp Charles Dickens, nhà văn mà ông luôn yêu mến. Hai nhà văn vẫn luôn tôn trọng, giữ liên lạc và chia sẻ cho nhau những vấn đề họ quan tâm, cùng bàn bạc về lý tưởng cho trẻ em.

10 năm sau, Andersen sang Anh chủ yếu để gặp Dickens. Trong suốt 5 tuần ở dinh thự nhà Dickens, Andersen đã gây nhiều khó chịu cho gia đình Dickens từ thứ tiếng Anh bập bẹ đến những hành động trẻ con phiền hà. Charles Dickens đã phải yêu cầu một cách lịch sự rằng Andersen nên rời đi trong lặng lẽ. Kể từ đó, tình bạn giữa hai nhà văn tan vỡ và họ không còn liên lạc gì cho đến khi qua đời.

Truman Capote – Harper Lee

Truman Capote là nhà văn người Mỹ, nổi tiếng nhất với các tác phẩm Bữa sáng ở Tiffany và Máu lạnh. Có ít nhất 20 tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình được chuyển thể từ các tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch của ông.

Harper Lee cũng là một nhà văn Mỹ được yêu thích qua cuốn sách Giết con chim nhại, tác phẩm đã mang về giải thưởng Pulitzer cao quý cho bà. Những tưởng đây là cuốn sách duy nhất trong sự nghiệp văn chương của bà thì vào năm 2014, Harper Lee khiến độc giả toàn thế giới kinh ngạc khi xuất bản cuốn Hãy đi đặt người canh gác được cho là phần 2 của Giết con chim nhại.

Truman Capote và Harper Lee vốn là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng sống tại bang Alabama suốt những năm ấu thơ. Nhân vật Dill trong Giết con chim nhại của Lee chính là dựa trên hình ảnh của Capote.

Năm 1959, sau khi diễn ra vụ thảm sát tại Kansas, Truman Capote đã cùng Harper Lee rong ruổi suốt 4 năm để tìm hiểu về sự thật xung quanh vụ án. Chính trong thời gian này, Lee đã viết Giết con chim nhại, còn Capote hoàn thành tác phẩm Máu lạnh nổi tiếng.

Tuy nhiên, kể từ sau đó, tình bạn giữa hai người nguội lạnh dần. Theo như Harper Lee chia sẻ thì chính thói ghen tỵ của Capote đã phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp của họ.

Giết con chim nhại chiến thắng giải Pulitzer năm 1961, còn Truman Capote đã vô cùng thất vọng khi Máu lạnh không thể chạm tay vào chiến thắng đó. Cuốn Máu lạnh khi hoàn thành được đề tặng cho cả người tình của Capote trong khi công sức đóng góp của Lee trong quyển sách chỉ dừng ở mức đề tặng và được trả bằng một món tiền nhỏ.

Mario Vargas Llosa – Gabriel Garcia Marquez

Mario Vargas Llosa là nhà văn người Peru, được coi là một trong những tác gia hàng đầu của Mỹ Latin và thế giới. Các tác phẩm nổi bật của ông phải kể đến Thành phố và lũ chó, Trò chuyện trong quán La Catedral. Vargas Llosa đã vinh dự nhận được giải Nobel Văn học năm 2010 vì những đóng góp của ông trong văn chương thế giới.

Gabriel Garcia Marquez là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị người Columbia, ông được biết đến rộng rãi qua các tác phẩm Trăm năm cô đơn, Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi, Tình yêu thời thổ tả. Garcia Marquez được coi như một trong những tác giả nổi bật nhất của thế kỷ 20, và được trao giải Nobel Văn học khá sớm vào năm 1982.

Hai nhà văn lớn gặp nhau vào năm 1967, khi cuốn Trăm năm cô đơn của Marquez vừa được xuất bản. Hai người nhanh chóng tìm được đồng cảm khi có chung hoàn cảnh gia đình: đều được bà nuôi dưỡng và không hòa hợp với cha. Nhưng điều khiến họ trở thành bạn bè thực sự chính là niềm yêu thích đối với các tác phẩm của nhà văn William Faulkner, tác giả của Khi tôi nằm chết, Âm thanh và cuồng nộ.

Nhưng giữa họ lại có những xung đột về quan điểm chính trị. Đỉnh điểm của xung đột ấy là vào năm 1976, sau một vụ tranh cãi về Cuba ở thủ đô Mexico, Vargas Llosa đã đấm vào mặt của Garcia Marquez, kết thúc một tình bạn kéo dài trong suốt 9 năm.

Mới đây, trong chuỗi kỷ niệm 50 năm phát hành cuốn Trăm năm cô đơn, Mario Vargas Llosa mới mở lòng chia sẻ về tình bạn buồn của ông với Garcia Marquez, người đã qua đời vào năm 2014.

sưu tầm

Bình luận Facebook