GIAI THOẠI VỀ HUY CẬN

Không biết có phải nếp sống bình dị, lạc quan đã tạo nên sức khỏe cho Huy Cận. Ông không tập thể dục siêng năng đều đặn như Xuân Diệu, nhưng tôi thấy ông dễ ăn, dễ ngủ. Lên xe, ngừng nói chuyện ông có thể ngủ ngay.

    Nhà thơ Huy Cận đang trao đổi với đồng nghiệp 
Nhà văn Tô Hoài còn khoe: Ngồi Chủ tịch đoàn, ông có thể vừa ngủ vừa nghe, ngủ không gật và đứng dậy là phát biểu mạch lạc được ngay. Ông ăn uống rất ngon lành. Được mời ông, ai cũng thích vì tính dễ dãi chân tình của ông.

Ông không khách khí, lúc nào cũng trân trọng sản vật nuôi người của trời đất, dù chỉ là củ khoai lang, cái bánh rán. Xuân Diệu ăn để bảo vệ sức khoẻ, ăn như nhiệm vụ nạp năng lượng sản xuất. Huy Cận ăn hồn nhiên hơn nhiều. ăn vì thấy thích ăn, muốn ăn. Nhìn ông ăn mà thấy yêu ông, yêu đời.

Lần đi Hồng Gai ấy, lúc trở về Hà Nội, ghé một quán phở mậu dịch sơ tán dọc đường, Huy Cận tươi cười hỏi cô bán phở đang thái tảng thịt chín: Cô thái thịt rất khéo, cô có muốn tôi đọc thơ cô nghe không? Cô mậu dịch viên lúng túng không biết trả lời sao. Thấy cái ô tô và dáng điệu phục phịch của Huy Cận thì cô biết đây là một “ông to”.

Hồi ấy chỉ “ông to” mới ngồi xe bốn chỗ và mới có thể béo được. Nhưng “ông to” mà xuề xoà như ông này thì chắc cô chưa gặp, hơn nữa lại còn chuyện đọc thơ. Thấy cô bán phở chỉ cười cười không dám nói gì, Huy Cận nói thêm, vẫn giọng tếu táo: Thế cô có nhận ra tôi không đã, tôi là Huy Cận, cô đi học đã học thơ Huy Cận chưa? Tôi sẽ đọc thơ tặng cô, nhưng cô phải cho bát phở Huy Cận nhiều thịt.

Cô gái không biết có nhớ thơ Huy Cận đã học ở trường không, nhưng cô nhìn ông nhà thơ đã thân tình và quý mến hơn, chí ít tác phong của ông làm cô thấy dễ mến, dễ thân. Cô chỉ vâng, vâng nho nhỏ và tay vẫn thái thịt. những lát thịt mỏng như xếp vào nhau bên lưỡi dao dưới tay cô. Bất ngờ Huy Cận rón tay, nhấc lên một lát thịt mỏng, ông ngửa cổ, thả nó vào miệng, ngon lành như trẻ nhỏ. Cử chỉ hồn nhiên ấy, tôi ngỡ như chứng kiến một giai thoại về một nhà thơ dân gian cổ xưa, không hề thấy dấu vết nào của ông Thứ trưởng long trọng thời bấy giờ.

Có lần, một cơ sở kinh tế tiếp các nhà văn nhà báo. Chúng tôi vừa nghe báo cáo vừa ăn bánh kẹo. Bánh kẹo thời chiến tranh cũng đạm bạc, kẹo mềm chỉ thấy đường, bánh kem Thủy Tạ và lạc rang với bia hơi. Tôi ngồi gần Huy Cận, ông đến với tư cách nhà thơ, nhưng chủ nhà lại không thể tiếp ông Thứ trưởng Bộ Văn hoá như dân thường nên cứ chất quanh ông thật nhiều bánh kẹo.

Ông ăn bánh kem, ông uống bia cùng với mọi người, như mọi người. Nhưng ông ăn kẹo thì hơi lạ: ông cho kẹo vào miệng, một cái, hai cái rồi bốc lạc rang, hớp cả nắm, nhai cùng. Tôi nhìn ông, mấy người khác cũng tò mò nhìn ông. Ông ghé tai tôi, nói nhỏ: Tôi chế tạo kẹo Nuga. Kẹo Nuga là loại kẹo mềm có lạc, thì ông trộn kẹo với lạc mà nhai cùng. Quả là sáng kiến. Tôi làm theo và thấy ngon hơn nhiều. Ở tuổi ấy, ở cương vị ấy mà còn nghĩ ra cách ăn kẹo cho thấy ngon như con trẻ.
Cách sống hồn nhiên ấy ai bảo không hàm chứa một triết lý yêu đời và tự tin sâu sắc./.

Vũ Quần Phương

Bình luận Facebook